Chat Zalo! Icon
Xuất khẩu qua đường biển- cứu cánh cho doanh nghiệp thời Covid-19

Xuất khẩu hàng hóa chính ngạch qua đường biển đang được các doanh nghiệp lựa chọn trong bối cảnh xuất khẩu qua đường bộ đang bị gián đoạn do bị ảnh hưởng Covid-19.


Chuyển hướng đường biển

Ngày thứ Bảy (15/2), Công ty Liên Đại Phát làm thủ tục xuất khẩu 30 container trái thanh long sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu cảng Cát Lái. Những ngày trước đó, công ty này liên tục làm thủ tục xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc bằng đường biển. Anh Lê Quang Trọng, Phòng XNK Công ty Liên Đại Phát cho biết, sau khi xuất hàng qua các cửa khẩu đường bộ sang Trung Quốc bị gián đoạn, doanh nghiệp chuyển hướng xuất khẩu qua đường biển. Chỉ tính từ ngày 10/1 đến nay, Công ty Liên Đại Phát đã làm thủ tục xuất khẩu trên 500 container trái thanh long qua cảng Cát Lái đi Trung Quốc.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Lê Quang Trọng cho biết, Công ty Liên Đại Phát làm đại lý hải quan xuất khẩu thanh long cho các doanh nghiệp. Trước đây, khi chưa có dịch Covid-19, công ty vừa làm thủ tục xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ, vừa xuất khẩu qua đường biển. Tuy nhiên, hiện nay, theo nhu cầu của các doanh nghiệp, công ty chủ yếu làm thủ tục xuất khẩu qua đường biển. Trong thời gian sắp tới, các công ty tiếp tục xuất khẩu các container hàng nông sản bằng container lạnh qua đường biển.

Không chỉ mặt hàng trái cây, nhiều mặt hàng thủy sản, sữa... cũng được các doanh nghiệp lựa chọn xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển. Công ty chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường biển nên không ảnh hưởng bởi việc ngừng thông quan tại các cửa khẩu biên giới.

Thủy sản chủ yếu xuất qua đường biển

Trước tác động của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc, trong đó có mặt hàng thủy sản. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn với phương thức xuất khẩu chính ngạch, đa dạng hóa thị trường nên ít bị tác động từ việc hạn chế xuất khẩu vào Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ.

Đại diện Công ty XNK Thủy sản Ngọc Diệp cho biết, trước tết Nguyên đán Canh Tý công ty xuất khẩu khá nhiều sản phẩm thủy sản đi các nước, nên sau Tết, lượng hàng XK không nhiều. Từ ngày 10/1 đến nay, công ty mới xuất khẩu 5 container hàng thủy sản, tất cả đều đi bằng đường biển qua cửa khẩu cảng Cát Lái. Chính vì thế, việc xuất khẩu hàng hóa của công ty không bị ảnh hưởng khi một số cửa khẩu đường bộ tiếp giáp với Trung Quốc bị gián đoạn.

Đối với sản phẩm tôm, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Công ty Thực phẩm Sao Ta, một đơn vị thành viên của PAN Group cho biết, thời điểm này là thấp điểm, cuối vụ nên ngành tôm không có nhiều nguyên liệu. Do đó, sản lượng tôm xuất khẩu sang Trung Quốc không nhiều. Với riêng Sao Ta, thị trường Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 0,5% nghĩa là mỗi tháng chỉ xuất khẩu 1 container, nhưng đi bằng đường chính ngạch.

Ông Lực cho rằng nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc có thể tăng nhưng không quá lớn, bởi Trung Quốc có sẵn thực phẩm dự phòng và đang bình ổn rất tốt. Ngoài thịt heo, Trung Quốc còn có lượng thịt bò lớn. Với thủy sản, Trung Quốc là nước xuất khẩu rất lớn, đặc biệt là cá rô phi, lượng cá này đang tồn trong nước lớn (do bị Mỹ áp thuế) đảm bảo được nhu cầu trong nước.

Đối với mặt hàng cá tra, theo thông tin từ Công ty Vĩnh Hoàn, Trung Quốc hiện chiếm khoảng 15% lượng xuất khẩu của Vĩnh Hoàn, hiện công ty chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch và vận chuyển toàn bộ bằng đường biển. Do vậy, hàng hóa của công ty vẫn giao đúng tiến độ và không bị tác động từ việc hạn chế thông quan ở các cửa khẩu đường bộ. Vĩnh Hoàn hiện là doanh nghiệp đầu ngành cá tra với đa dạng các thị trường. Trong đó, Mỹ - thị trường có biên lợi nhuận cao - mới là thị trường chủ lực của công ty.

Thị trường Trung Quốc chiếm 30% sản lượng hàng XK của Công ty Nam Việt, nên việc xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đầu năm 2020 có thể bị chậm lại trước ảnh hưởng của Covid-19. Tuy nhiên, vấn đề này chỉ mang tính chất tạm thời và nhu cầu tiêu thụ khả năng cao sẽ tăng trưởng mạnh sau giai đoạn này. Nam Việt cho biết với khả năng tự chủ 100% nguyên liệu, công ty đã chuẩn bị cho bất cứ thay đổi đột ngột nào từ nhu cầu thị trường. Hiện Trung Quốc chiếm khoảng 30% sản lượng của ANV, ngoài ra còn có ASEAN (20%), châu Âu (14%), Mexico (9%)…

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp thủy sản cũng đang lo lắng do nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc có thể bị gián đoạn trong giai đoạn hiện nay nên cũng đang tìm hướng về nguồn nguyên liệu và chuẩn bị sẵn “kịch bản dự phòng” cho bất cứ thay đổi đột ngột nào từ nhu cầu thị trường.

Theo: HaiQuanOnline

trong Tin tức
9 giải pháp trọng tâm vượt khó của ngành bảo hiểm xã hội