Chat Zalo! Icon
Thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường tính tuân thủ pháp luật về BHXH

Đây là nội dung tại Công văn số 3729/LĐTBXH-VP Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội gửi Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Thủ tướng Chính phủ tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.
 

(ảnh minh họa)


Cụ thể, cử tri Thanh Hóa kiến nghị:“Đề nghị Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về quản lý, xử lý nợ BHXH; trong đó có quy định cụ thể xử lý tiền nợ BHXH tồn đọng kéo dài (không còn khả năng trả nợ) của các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn, làm căn cứ giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động; đồng thời, chỉ đạo Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các Điều 214, Điều 215, Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN để các ngành, địa phương triển khai thực hiện”.
Trước kiến nghị trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết: Chính phủ đã chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất các phương án báo cáo Chính phủ (Báo cáo số 32/BC-LĐTBXH ngày 29/3/2017), xây dựng văn bản quy định bảo đảm quyền lợi của người lao động (Tờ trình số 50/TTr-BLĐTBXH ngày 3/8/3018 về đề nghị xây dựng Nghị định quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN và bảo đảm quyền lợi của người lao động). Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng văn bản quy định bảo đảm quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh, chủ là người nước ngoài bỏ trốn còn nợ tiền BHXH, BHTN gặp vướng mắc Luật BHXH, Luật Việc làm và Luật Ngân sách Nhà nước đều không quy định nguồn kinh phí cho trường hợp này. Mặt khác, thông lệ quốc tế cũng không quy định đối với các trường hợp này.


Vì vậy, ngày 13/5/2019, Chính phủ đã có Báo cáo số 193/BC-CP báo cáo Quốc hội về việc bảo đảm quyền lợi của người lao động theo quy định tại Khoản 7 Điều 10 Luật BHXH. Theo đó, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, trong thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường tính tuân thủ về pháp luật về BHXH, hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHTN; đồng thời tiến hành rà soát, thống kê cụ thể số người lao động bị ảnh hưởng, đánh giá tác động toàn diện để đề xuất phương án phù hợp trong quá trình sửa đổi Luật BHXH và các Luật có liên quan, đồng bộ với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH.


Về nội dung liên quan đến việc ban hành văn bản Điều 214, Điều 215, Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015: Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN, Điều 215 về tội gian lận BHYT, Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ luật Hình sự./.

trong Tin tức
Sửa 2 thông tư quan trọng trong lĩnh vực hải quan