Chat Zalo! Icon
Thẻ BHYT điện tử có gì ưu việt?

Việc sử dụng thẻ BHYT điện tử sẽ mang lại lợi ích lớn cho tất cả các bên liên quan như người tham gia BHYT, cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH


Phóng viên: Theo lộ trình được đặt ra tại các văn bản pháp luật về BHYT, từ ngày 1-1-2020, cơ quan BHXH sẽ thực hiện việc cấp thẻ BHYT điện tử cho người tham gia. Thưa ông, tại sao phải chuyển từ việc cấp thẻ BHYT bằng giấy sang thẻ điện tử?

- Ông PHAN VĂN MẾN, Giám đốc BHXH TP HCM: Việc triển khai thẻ BHYT điện tử trên cơ sở yêu cầu của Luật BHYT về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHYT, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHYT. Đồng thời cũng thực hiện theo Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ, trong đó giao BHXH Việt Nam nghiên cứu cấp thẻ BHYT điện tử, tiến tới tích hợp các thông tin BHXH, bảo hiểm thất nghiệp vào một thẻ điện tử chung.

Mục tiêu của nghiên cứu và đưa vào ứng dụng thẻ BHYT điện tử là nhằm hiện đại hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia BHYT, các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp. Qua đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc chuyển đổi sang thẻ BHYT điện tử trong tương lai sẽ mang lại lợi ích lớn cho tất cả các bên liên quan như người tham gia BHYT, cơ sở khám chữa bệnh (KCB) và cơ quan BHXH.

Cụ thể đó là những lợi ích gì, thưa ông?

- Thẻ BHYT được phát hành sẽ thuận lợi rất nhiều cho người tham gia BHYT trong việc KCB. Trong thẻ có lưu trữ cả các dấu hiệu nhận biết như dấu vân tay, hình ảnh khuôn mặt, dấu hiệu nhận dạng cá nhân, người bệnh đi khám không cần mang theo giấy tờ tùy thân như hiện nay. Đặc biệt, toàn bộ lịch sử bệnh tật của người tham gia cũng được lưu trữ trên thẻ cũng thuận lợi hơn cho quá trình theo dõi và điều trị bệnh tật. Bên cạnh đó, với việc tích hợp các tiện ích ứng dụng trên thẻ như: Nộp tiền BHYT qua thẻ ATM, internet banking, tra cứu thông tin đóng - hưởng BHYT..., việc sử dụng thẻ BHYT điện tử cũng sẽ giúp người tham gia giảm chi phí khi thực hiện các giao dịch.

Đối với các cơ sở KCB thì tiết kiệm được chi phí, giảm thời gian tiếp đón, quản lý người bệnh, kiểm tra thông tin các lần KCB phục vụ điều trị, cấp thuốc điều trị phù hợp, tránh kháng thuốc. Đồng thời, giúp kiểm tra thông tin các lần KCB BHYT gần nhất của người tham gia để hạn chế tình trạng trục lợi quỹ BHYT.

Về phía cơ quan BHXH sẽ cắt giảm được các thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHYT (đổi thẻ, điều chỉnh thông tin, thu hồi thẻ...), rút ngắn thời gian làm thủ tục giám định, thanh quyết toán chi phí khám BHYT, ngăn chặn tình trạng trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT... Ngoài ra, thông tin về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp dự kiến sẽ được tích hợp vào thẻ BHYT điện tử để tiến tới dùng chung thay thế cho sổ BHXH giấy hiện hành.

Người dân cần làm thủ tục gì để thực hiện cấp đổi từ thẻ BHYT giấy sang loại hình điện tử?

- Khi BHXH Việt Nam triển khai thực hiện cấp thẻ BHYT điện tử thì đối với những người đã tham gia BHYT và có thẻ giấy sẽ được cơ quan BHXH chủ động chuyển đổi sang thẻ điện tử và không yêu cầu phải lập bổ sung hồ sơ. Đối với những người tham gia mới, sau khi nộp hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT, cơ quan BHXH sẽ cấp thẻ BHYT điện tử cho người tham gia.

Công tác chuẩn bị cho việc đổi thẻ BHYT điện tử đã được BHXH TP HCM triển khai thế nào và khi nào TP sẽ bắt đầu cấp đổi thẻ cho người tham gia?

- Tại TP HCM có hơn 7 triệu người tham gia BHYT, hiện BHXH TP đã chuẩn bị về nhân sự, cơ sở vật chất và hoàn thiện cơ sở dữ liệu người tham gia để thực hiện cấp thẻ BHYT điện tử cho người dân nhanh chóng, kịp thời ngay khi BHXH Việt Nam triển khai.

Trường hợp sau ngày 1-1-2020, người tham gia chưa được cấp thẻ BHYT điện tử thì có được sử dụng thẻ BHYT cũ để thực hiện KCB không, thưa ông?

- Trong thời gian chờ BHXH Việt Nam triển khai đổi sang thẻ BHYT điện tử, người tham gia BHYT vẫn sử dụng thẻ BHYT cũ để dùng cho việc KCB và không ảnh hưởng đến quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia.

Theo: Báo Người Lao Động

trong Tin tức
Doanh nghiệp có phải gửi công văn báo cáo Tổng cục Thuế xem xét cơ chế đặc thù khi lập hoá đơn?