Chat Zalo! Icon
Sửa đổi chính sách để ngăn chặn gian lận xuất xứ

Chính sách pháp luật liên quan đến xuất xứ hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa, xử phạt đối với các hành vi vi phạm cần được làm rõ, bổ sung, hoàn thiện để các cơ quan chức năng, trong đó cơ quan Hải quan, có đủ cơ sở để thực hiện các biện pháp quản lý, phòng, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa.


Công chức Chi cục Hải quan KCN Bắc Thăng Long (Cục Hải quan Hà Nội) kiểm tra hàng hóa XNK. Ảnh: N.Linh

Theo Tổng cục Hải quan, qua quá trình thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa theo chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019, cho thấy còn tồn tại nhiều vướng mắc, cần có hướng dẫn cụ thể. Chính vì vậy, Tổng cục Hải quan đã kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sửa đổi nhiều chính sách để đảm bảo quản lý và thực thi.

Như vấn đề xuất xứ, Điều 9 Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa quy định về các công đoạn lắp ráp giản đơn còn chưa đầy đủ rõ ràng. Ví dụ đối với ngành gỗ thì công đoạn bào, khoan, đục có được coi là giản đơn hay không? Đối với ngành lắp ráp xe đạp có công đoạn đan căm, cân chỉnh vành thì có được coi là giản đơn hay không? Vì vậy dẫn đến việc đấu tranh của cơ quan Hải quan với doanh nghiệp về việc chứng minh các công đoạn giản đơn còn nhiều bất cập.

Để đảm bảo quản lý, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công Thương rà soát, sửa đổi và bổ sung các công đoạn gia công chế biến đơn giản để đạt được xuất xứ Việt Nam quy định tại Điều 9 Nghị định 31/2018/NĐ-CP và Thông tư 05/2018/TT-BCT để phù hợp tình hình hiện nay và có quy định cụ thể về tiêu chí xuất xứ Việt Nam đối với hàng xuất khẩu và hàng tiêu thụ trong nội địa.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sớm rà soát và có hướng dẫn cụ thể về việc tự chứng nhận xuất xứ theo quy định tại Điều 25 Nghị định 31/2018/NĐ-CP. Trong đó, cần xây dựng bộ tiêu chí để quản lý các doanh nghiệp được cho phép tự chứng nhận xuất xứ, cần xây dựng quy trình thủ tục liên quan đến việc tự chứng nhận xuất xứ khi xuất khẩu hàng hóa đi từng thị trường cụ thể để các cơ quan hữu quan thống nhất khi thực hiện quản lý.

Tổng cục Hải quan cũng đề nghị Bộ Công Thương thực hiện chuyển đổi mô hình cấp chứng nhận xuất xứ mẫu D theo đúng mô hình thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia. Cụ thể, doanh nghiệp khai báo hồ sơ trên Cổng thông tin một cửa quốc gia; Cổng tiếp nhận và chuyển hồ sơ tới hệ thống chuyên ngành của Bộ Công Thương; Bộ Công Thương xử lý hồ sơ, trả kết quả xử lý tới qua cổng; doanh nghiệp nhận kết quả xử lý thông qua cổng. Cùng với đó, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Tổng cục Hải quan thống nhất phương án triển khai cấp các mẫu chứng nhận xuất xứ ưu đãi khác qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Về vấn đề ghi nhãn, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 43/2017/NĐ-CP theo hướng quy định cụ thể thông tin bắt buộc nào phải có ngay trong khi làm thủ tục nhập khẩu, thông tin nào là bắt buộc nhưng có thể bổ sung nhãn phụ sau khi hàng hóa đã được thông quan; bổ sung quy định về cách ghi nhãn đối với hàng xuất khẩu; cách gắn nhãn hàng hóa trên sản phẩm, bao bì. Đồng thời, đề xuất sửa đổi Nghị định 119/2017/NĐ-CP theo hướng quy định cụ thể hơn các hành vi vi phạm liên quan đến nhãn như: Tại Điều 31, hành vi ghi thiếu thông tin nào sẽ bị phạt tại thời điểm nhập khẩu hàng hóa; hay cần tách biệt rõ chế tài xử phạt đối với hành vi ghi thiếu thông tin trên nhãn gốc, chế tài xử phạt đối với hành vi ghi thiếu thông tin trên nhãn phụ và thẩm quyền xử phạt các vi phạm này.

Đối với VCCI, Tổng cục Hải quan đề nghị thực hiện nghiêm và đầy đủ việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa không ưu đãi điện tử đi các nước ASEAN qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Bên cạnh đó, VCCI mở rộng việc cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa không ưu đãi cho các thị trường ngoài ASEAN qua Cơ chế một cửa quốc gia; chỉ đạo các bộ phận liên quan phối hợp với Tổng cục Hải quan thực hiện thống nhất quy trình thủ tục, chỉ tiêu thông tin, yêu cầu kỹ thuật, xây dựng hệ thống để thực hiện kết nối thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia trước ngày 30/9/2020.

Liên quan đến vấn đề kiểm tra, xác định xuất xứ, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, vừa qua, Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố bám sát Chỉ thị 7988/CT-TCHQ ngày 25/12/2019 và các văn bản, kế hoạch trước đó để tiếp tục triển khai các biện pháp quản lý. Trong đó, rà soát, xác định doanh nghiệp xuất nhập khẩu có kim ngạch tăng đột biến, giao dịch bất thường để áp dụng cac biện pháp kiểm tra, điều tra, xác minh làm rõ… Bên cạnh đó, Tổng cục chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng cục tại các chi cục hải quan trực thuộc để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các công chức hải quan còn buông lỏng quản lý, chưa chú trọng công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp.

trong Tin tức
Đề xuất giải pháp về thuế, phí hỗ trợ đối tượng ảnh hưởng bởi Covid-19