Chat Zalo! Icon
Phát triển hải quan số: Giúp tăng hiệu quả quản lý và tạo thuận lợi thương mại
15 tháng 3, 2021 bởi
Nguyễn Thái Ngọc

Bộ Tài chính đã phê duyệt chủ trương “Thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện hải quan số”, tại Quyết định 97/QĐ-BTC ngày 26/1/2021. Đây là sự đảm bảo cho sự thành công của Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 và Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan...

Bộ Tài chính đã phê duyệt chủ trương “Thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện hải quan số”, tại Quyết định 97/QĐ-BTC ngày 26/1/2021. Đây là chủ trương lớn, đảm bảo cho sự thành công của Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 và Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2021 - 2025” - ông Lê Đức Thành - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và thông kê hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết.

PV: Xin ông cho biết đôi nét về vai trò và mục tiêu phát triển hải quan số của ngành Hải quan trong giai đoạn hiện nay?

Ông Lê Đức Thành: Mục tiêu cốt lõi của phát triển hải quan số trong giai đoạn hiện nay là xây dựng hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) mới của ngành Hải quan, trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh; quản lý doanh nghiệp (DN), hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối.

Hải quan số có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, DN thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đặc biệt là hệ thống CNTT mới cho phép cơ quan hải quan đảm bảo kết nối, trao đổi thông tin với các phân hệ thuộc Bộ Tài chính, kết nối với các bộ, ngành, các bên liên quan trong nước và quốc tế. Đáp ứng yêu cầu thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ, Bộ Tài chính về ứng dụng CNTT, xây dựng chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0.


Hệ thống CNTT mới áp dụng tối đa công nghệ tiên tiến trên thế giới, trong đó tập trung ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 như: Áp dụng công nghệ Internet kết nối vạn vật để giám sát hàng hóa, phương tiện trong khu vực giám sát hải quan; áp dụng các mô hình phân tích dữ liệu để phân tích dự báo về kim ngạch, về số thu, về xu hướng xuất nhập khẩu để làm căn cứ cho việc đề xuất các quy định phục vụ điều hành, điều tiết kinh tế của Nhà nước.

PV: Việc triển khai hải quan số có ý nghĩa thế nào đối với việc tái thiết kế hệ thống CNTT của ngành Hải quan đang được triển khai, thưa ông?

Ông Lê Đức Thành: Việc triển khai hải quan số là yêu cầu cấp bách, là nội dung cốt lõi của tái thiết kế tổng thể hệ thống CNTT ngành Hải quan. Điều này bắt nguồn từ yêu cầu thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ Tài chính về ứng dụng CNTT; đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan và tạo thuận lợi cho người dân, DN.

Đến nay, Tổng cục Hải quan đã triển khai và vận hành ổn định, an ninh, an toàn hệ thống CNTT phục vụ tác nghiệp hải quan một cách toàn diện trong tất cả các lĩnh vực công tác của ngành, là tiền đề hoàn thiện hải quan điện tử hướng tới hải quan số.

Tuy nhiên, hệ thống CNTT hiện nay đã không còn đáp ứng đầy đủ yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, khắc phục một số lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan vẫn chưa được ứng dụng CNTT và tự động hóa một cách đầy đủ như thanh tra, kiểm tra, miễn giảm hoàn thuế..., đặc biệt là đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần phải tái thiết hệ thống CNTT, thay thế bằng hệ thống CNTT mới.

Từ các yêu cầu quản lý nhà nước, công tác nghiệp vụ hải quan trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Tài chính đã phê duyệt chủ trương nâng cấp hiện đại hóa hệ thống thông tin của Tổng cục Hải quan theo phương thức “thuê dịch vụ CNTT thực hiện hải quan số”.

PV: Vậy lộ trình và lợi ích mang lại từ việc thuê dịch vụ CNTT thực hiện hải quan số, theo Quyết định 97 ra sao, thưa ông?

Ông Lê Đức Thành: Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tập trung triển khai Quyết định 97 về việc phê duyệt chủ trương thuê dịch vụ CNTT.

Về lộ trình, dự kiến trong năm 2021, Tổng cục Hải quan hoàn thành thủ tục thuê dịch vụ CNTT. Trong năm 2022, nhà thầu sẽ xây dựng hệ thống CNTT, đầu năm 2023, hệ thống CNTT mới sẽ đi vào vận hành.

Việc triển khai thuê dịch vụ CNTT thực hiện hải quan số sẽ mang lại các lợi ích to lớn đối với người dân và DN. Điều đó được thể hiện ở những nội dung cụ thể như giảm giấy tờ, hướng tới môi trường giao dịch giữa hải quan và DN phi giấy tờ.

Trong thời gian tới với việc triển khai hệ thống CNTT mới, toàn bộ quy trình nghiệp vụ hải quan sẽ được tin học hóa và tự động hóa. Theo đó, đối với những thủ tục hiện nay chưa được ứng dụng CNTT đầy đủ như miễn giảm hoàn thuế, kiểm định hải quan,… thì trong thời gian tới, khi triển khai hệ thống CNTT mới, doanh nghiệp sẽ không phải nộp hồ sơ giấy cho cơ quan hải quan. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của ngành Hải quan phấn đấu đạt 100%. Điều này giảm áp lực rất lớn cho người dân, DN trong việc chuẩn bị hồ sơ giấy, lưu trữ tốn kém.

Bên cạnh đó, với việc tin học hóa ở mức độ cao và trao đổi thông tin giữa Tổng cục Hải quan với các bộ, ngành, người dân và DN sẽ không phải nộp những giấy tờ mà hệ thống CNTT mới đã có sẵn thông tin. Qua đó, DN sẽ giảm tải rất nhiều chi phí và thời gian cho việc chuẩn bị hồ sơ giấy, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thủ tục hải quan được giải quyết nhanh, kịp thời hơn

Theo Tổng cục Hải quan, với việc thuê dịch vụ hệ thống công nghệ thông tin do nhà thầu bên ngoài cung cấp, dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp sẽ nhanh chóng, thuận lợi hơn vì nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin là đơn vị chuyên nghiệp. Do đó, nếu trường hợp doanh nghiệp có vướng mắc hoặc gặp sự cố trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan thông qua hệ thống công nghệ thông tin, nhà thầu sẽ nhanh chóng hỗ trợ, xử lý các vướng mắc, phát sinh, qua đó tiết kiệm thời gian làm thủ tục hải quan của người dân và doanh nghiệp.

trong Tin tức