Chat Zalo! Icon
Nhiều thách thức trong cải cách chính sách bảo hiểm xã hội

"Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) để BHXH thật sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân". Ðây là một trong những mục tiêu tổng quát về cải cách chính sách BHXH của Nghị quyết số 28-NQ/TW, ký ngày 23-5-2018 tại Hội nghị lần thứ bảy, Ban chấp hành T.Ư Ðảng khóa XII. Ðể thực hiện được mục tiêu trên, Nghị quyết số 28 đã chỉ ra 11 nội dung cần cải cách. Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít khó khăn, thách thức trong việc mở rộng diện bao phủ để tiến tới mục tiêu BHXH toàn dân.



 Khó khăn, thách thức

Theo thống kê, trong 10 năm qua (2009 - 2018) tốc độ phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc dao động từ 3,24 đến 7,03% và bình quân số người tham gia BHXH bắt buộc tăng 5,83%/năm. Tính đến hết năm 2018, số người tham gia BHXH bắt buộc đạt gần 14,5 triệu người, tăng 6,3% so năm 2017. Như vậy, nếu duy trì tốc độ phát triển đối tượng nêu trên, dự kiến đến năm 2021, 2025 và 2030 số người tham gia BHXH bắt buộc sẽ đạt tương ứng lần lượt là 17,1 triệu, 21,5 triệu và 28,5 triệu; với ước tính lực lượng lao động (LLLÐ) trong độ tuổi tương ứng là 50,4 triệu, 52,1 triệu và 53,8 triệu người, thì tỷ lệ số người tham gia BHXH bắt buộc so với LLLÐ trong độ tuổi tương ứng là 34%, 41,3% và 53% chưa đạt được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của T.Ư đề ra.

Trong khi đó, số liệu điều tra lao động - việc làm hằng năm của Tổng cục Thống kê cho thấy, tốc độ tăng LLLÐ đang giảm dần, ở giai đoạn 2000 - 2005 số lao động tham gia LLLÐ tăng bình quân khoảng 1,2 triệu người/năm thì đến giai đoạn 2014 - 2019 chỉ còn khoảng 400 nghìn người/năm. Tỷ lệ tham gia LLLÐ có xu hướng giảm dần trong 5 năm gần đây từ 77,51% vào năm 2014 xuống còn 76,26% vào năm 2018.

Thực tế cho thấy, trong khi các cơ quan quản lý nỗ lực trong phát triển mở rộng đối tượng tham gia BHXH, thì hằng năm vẫn có một số lượng lớn người lao động lựa chọn việc hưởng BHXH một lần. Theo số liệu thống kê, từ năm 2014 đến 2018, có xấp xỉ 2,7 triệu người hưởng BHXH một lần, bình quân mỗi năm có hơn 535 nghìn người hưởng BHXH một lần, đồng nghĩa với việc họ ra khỏi hệ thống chính sách BHXH và mất đi cơ hội để tiếp cận lương hưu khi về già. Thực tế nêu trên đang đi ngược với mục tiêu phát triển mở rộng đối tượng tham gia, tăng diện bao phủ của chính sách BHXH.

Bên cạnh đó, chính sách BHXH tự nguyện sau 10 năm thực hiện, tính đến hết năm 2018, số người tham gia BHXH tự nguyện mới đạt hơn 270 nghìn người; năm 2019 có sự bứt phá khi đến thời điểm này đã có khoảng 480 nghìn người tham gia. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, là đến năm 2021, 2025 và 2030 phải đạt tương ứng 1%, 2,5% và 5% LLLÐ trong độ tuổi tham gia, đòi hỏi phải có các giải pháp mang tính đột phá và hiệu quả để cải thiện tốc độ phát triển gia tăng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Giải pháp tháo gỡ vướng mắc

Ðể thực hiện các mục tiêu đến năm 2021, khoảng 35% LLLÐ trong độ tuổi tham gia BHXH, năm 2025, đạt khoảng 45% LLLÐ trong độ tuổi tham gia BHXH, và đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 60% LLLÐ trong độ tuổi tham gia BHXH…, theo Phó Vụ trưởng BHXH (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Trần Hải Nam, cần triển khai hiệu quả 11 nội dung cải cách mà Nghị quyết 28 đã đề ra, trong đó, tập trung vào một số giải pháp chính. Ðó là, xây dựng hệ thống BHXH đa tầng hướng tới BHXH toàn dân với việc: Tập trung hoàn thiện, phát triển và mở rộng hệ thống chính sách BHXH cơ bản, dựa trên đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và sự hỗ trợ phù hợp của Nhà nước; bên cạnh đó, thực hiện trợ cấp hưu trí xã hội đối với người cao tuổi không có lương hưu hoặc BHXH hằng tháng từ nguồn ngân sách nhà nước; và thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.

Ðối với việc mở rộng diện bao phủ BHXH, phải có chính sách mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt; đẩy nhanh quá trình gia tăng số lao động tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức. Phó Vụ trưởng Trần Hải Nam cho rằng, cần chú trọng triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 của Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo điều kiện để từng bước thực hiện chính thức hóa khu vực phi chính thức. Bên cạnh đó, phải có các giải pháp "giữ chân" những người đã tham gia BHXH ở lại lâu dài trong hệ thống…

Ðể tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ Ðề án thực hiện thí điểm gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt, tạo điều kiện để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng, khuyến khích người lao động tham gia đóng BHXH, góp phần mở rộng diện bao phủ BHXH theo tinh thần cải cách BHXH mà Nghị quyết 28 đề ra.

Theo: BHXHTPHCM

trong Tin tức
Luật hoá nghĩa vụ thuế đối với kinh doanh trên nền tảng số