Chat Zalo! Icon
Nhiều lợi ích khi thống nhất đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu
23 tháng 12, 2019 bởi
Nguyễn Hoài Nguyên Hậu

Tại Nghị quyết của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019 (Nghị quyết số 99), Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch...).


Kiểm tra nhiều, hiệu quả ít

Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) Âu Anh Tuấn cho biết, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, theo phân công của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đang khẩn trương xây dựng Đề án.

Theo ông Âu Anh Tuấn, thông qua Đề án, cơ quan Hải quan sẽ phân tích, đánh giá thực trạng công tác KTCN hàng hóa XNK trong thời gian qua. Đặc biệt là chỉ rõ các bất cập, nhược điểm của mô hình kiểm tra hiện nay và của hệ thống pháp luật liên quan.

Cụ thể, mô hình kiểm tra hiện nay làm tốn chi phí, nguồn lực đối với cả nhà nước và của doanh nghiệp, kéo dài thời gian thông quan hàng hóa, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.  Việc kiểm tra theo từng lô hàng nhưng kết quả phát hiện vi phạm rất thấp không tương xứng với nguồn lực (nhân lực, thiết bị, thời gian, tài chính) của nhà nước và của doanh nghiệp bỏ ra. Trong khi đó, nguyên tắc quản lý rủi ro đã được áp dụng nhưng hiệu quả thực hiện chưa cao. Mặt khác, Việt Nam chưa áp dụng rộng rãi việc công nhận thừa nhận lẫn nhau, áp dụng truy xuất nguồn gốc trong KTCN; mô hình KTCN hiện nay chưa phù hợp với thông lệ quốc tế…

Ông Âu Anh Tuấn chia sẻ, để xây dựng Đề án, cơ quan Hải quan đã và đang nghiên cứu mô hình kiểm tra của một số nước như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hà Lan, Campuchia, Ấn Độ… trước khi đưa ra mô hình phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế tại nước ta.

Mô hình có tính đột phá

Trên cơ sở phân tích, đánh giá mô hình hiện nay và kinh nghiệm của quốc tế, đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng, Đề án đang được nghiên cứu xây dựng sẽ có nhiều cải cách mang tính đột phá.

Theo đó, cơ quan quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK sẽ ban hành Danh mục phải kiểm tra chất lượng kèm quy chuẩn kỹ thuật tương ứng làm cơ sở thực hiện kiểm tra; thực hiện kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa XNK sau thông quan.

Cơ quan Hải quan là đầu mối KTCN đối với hàng hóa XNK tại cửa khẩu (trừ những hàng hóa đặc thù như mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch).

Trong khi đó, doanh nghiệp XNK hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng đối với hàng hóa do mình xuất khẩu, nhập khẩu (phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng).

Các tổ chức đánh giá sự phù hợp theo chỉ định của bộ quản lý chuyên ngành tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đánh giá sự phù hợp, cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy để làm cơ sở cho cơ quan hải quan thông quan hàng hóa.

Với hàng hóa thuộc diện miễn kiểm tra hoặc tự nguyện công bố áp dụng, cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra đột xuất đối với lô hàng XNK khi có thông tin hàng hóa không đạt chất lượng; hoặc có cảnh báo của các bộ quản lý chuyên ngành, UBND cấp tỉnh hoặc của cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài hoặc của nhà sản xuất về chất lượng lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu.

Bên cạnh đó, mô hình mới của hoạt động KTCN phải phù hợp với thông lệ quốc tế, với các công ước, hiệp định quốc tế Việt Nam đã ký kết và tham gia; áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong KTCN; thừa nhận, công nhận kết quả kiểm tra chất lượng của nước xuất khẩu, nhập khẩu; áp dụng truy xuất nguồn gốc…

Nhiều lợi ích

Lãnh đạo Cục Giám sát quản lý về hải quan cho hay, mô hình mới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp.

Đối với Chính phủ sẽ tiết kiệm ngân sách thông qua việc cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm nguồn lực, chi phí cho một bộ máy kiểm tra chất lượng cồng kềnh, giảm thời gian thông quan hàng hóa.

Với doanh nghiệp sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc tuân thủ pháp luật về chất lượng của hàng hóa, giảm thời gian và chi phí.

Trong khi các bộ, ngành giảm nguồn lực kiểm tra chất lượng hàng hóa XNK để tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách; ban hành đầy đủ các quy chuẩn kỹ thuật; đẩy mạnh việc kiểm soát chất lượng hàng hóa sau khi nhập khẩu, trong quá trình lưu thông, sản xuất….

Với cơ quan Hải quan, hiệu quả mang lại là nâng cao năng lực về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, đảm bảo việc kiểm soát hàng hóa XNK...

Các giải pháp được cơ quan Hải quan đề xuất để triển khai mô hình mới là: Hoàn thiện cơ sở pháp lý; nâng cao năng lực kiểm tra tại cửa khẩu cho cơ quan Hải quan…

Theo: HaiQuanOnline

trong Tin tức