Chat Zalo! Icon
Ngành Hải quan: Nỗ lực kết nối, cải cách kiểm tra chuyên ngành

Trong dòng chảy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới, kiểm tra chuyên ngành (KTCN) là công cụ để kiểm soát chất lượng hàng hóa, đảm bảo an ninh, an toàn. Song nếu như kiểm soát chồng chéo, bất hợp lý lại là lực cản của dòng chảy ấy.

Những câu chuyện về bất cập, chồng chéo trong hoạt động KTCN thậm chí diễn ra trong thời gian dài. Công cuộc “gỡ rối tơ vò” đã được Chính phủ chỉ đạo trong nhiều năm qua, chuyển biến đã có, nhưng bất cập chưa hết. Chính vì vậy với việc Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án cải cách KTCN theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện KTCN tại cửa khẩu, còn bộ ngành thực hiện “hậu kiểm” được coi là bước đột phá để cải cách sâu rộng công tác kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.


Khẳng định vai trò kết nối

Cách đây hơn 6 năm, công cuộc cải cách KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) được Chính phủ quyết tâm thực hiện khi lần đầu tiên ban hành Nghị quyết 19/2014/NQ-CP, yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành rà soát, đánh giá lại quy trình, hồ sơ và thủ tục XNK; giảm thời gian XNK cho DN. Năm 2015, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã “định hình” được bức tranh toàn diện những hạn chế, bất cập của công tác KTCN, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 phê duyệt Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTCN đối với hàng hóa XK, NK, giao các bộ, ngành thực hiện các giải pháp được nêu trong Đề án.

Từ đó đến nay, trong vai trò đầu mối, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã phối hợp với các bộ tích cực triển khai các giải pháp cải cách toàn diện hoạt động KTCN đối với hàng hóa XNK theo đúng mục tiêu cắt giảm thủ tục KTCN đã được Chính phủ chỉ đạo. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) cùng các bộ, ngành, trong những năm qua, công tác KTCN đối với hàng hóa XNK đã có những kết quả ban đầu, tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải KTCN trước thông quan đã giảm, từ mức xấp xỉ 26% năm 2015 xuống mức 19,1%; thời gian làm thủ tục ở nhiều lĩnh vực KTCN đã giảm đáng kể. Tuy vậy, con số này chưa đạt được yêu cầu của Chính phủ đặt ra là phải giảm được dưới mức 10% đối với hàng nhập khẩu vào năm 2018-2019; nhiều bất cập, chồng chéo vẫn chưa được giải quyết.

Những vấn đề vướng mắc trong KTCN vẫn “đeo đẳng”, làm khó hoạt động XNK hàng hóa. Từ thực tế ấy, một lần nữa Chính phủ lại quyết tâm cải cách, theo hướng đột phá giao Bộ Tài chính: “chủ trì xây dựng Đề án cải cách KTCN theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện KTCN tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch...), bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm” (tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 13/11/2019, và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ).

Đầu mối thực hiện KTCN tại cửa khẩu

Rõ ràng đây không phải là nhiệm vụ đơn giản, bởi nếu như trước đây Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) trong vai trò đầu mối thúc đẩy các bộ, ngành triển khai thì nay trọng trách nâng lên nhiều lần với vai trò “đầu mối thực hiện KTCN tại cửa khẩu”. Như Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu tại cuộc họp với đại diện các bộ, ngành có liên quan mới đây, cho rằng: Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu là đề án khó. Dù khó là vậy, nhưng chỉ trong gần 10 tháng qua, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) nghiêm túc triển khai thực hiện, nỗ lực phối hợp với các bên tham gia nghiên cứu hoàn thiện đề án.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó Giám đốc thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) là người theo sát đề án từ những ngày đầu tiên cho rằng, so với bản dự thảo lần đầu thì bản dự thảo gần đây đã đáp ứng cơ bản những mong muốn của cộng đồng DN, điều quan trọng nhất bây giờ là quyết định của Chính phủ và khâu tổ chức thực thi của Tổng cục Hải quan.

Cũng theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo cải cách công tác KTCN, cũng như hoạt động XNK, kết quả đã có nhưng vẫn có độ chững nhất định và chưa giải quyết được một số vấn đề mang tính gốc rễ, đặc biệt là câu chuyện phối hợp các bộ ngành, cơ quan liên quan tại cửa khẩu. “Ý kiến của cộng đồng DN đặc biệt nhất quán khi bàn về giải pháp cải cách KTCN ngay từ ngày đầu tiếp cận về ý tưởng đến bây giờ khi đi vào nội dung thảo luận chi tiết. 99% ý kiến DN cho rằng nếu Chính phủ quyết tâm thực hiện giải pháp cải cách KTCN sẽ thực sự là cuộc cách mạng trong hoạt động XNK” – bà Thủy cho biết.

Nêu lên ý kiến của Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), ông Trần Đức Nghĩa đại diện Hiệp hội cho biết, VLA nhất trí chủ trương đề án và cam kết sẽ đồng hành cùng cơ quan quản lý trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, đề án cần nêu được phương án xử lý khi có xung đột DN không chấp nhận kết quả KTCN.

Ở góc độ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế đánh giá cao quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, tham vấn ý kiến các bộ, ngành, các cơ quan liên quan của Ban soạn thảo. Đặc biệt, quá trình xây dựng đề án có sự điều chỉnh nội dung nhưng vẫn xác định rất rõ mục tiêu phải giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Đây là điều cần phải bám sát và thể hiện rõ hơn trong dự thảo Đề án cũng như dự thảo Nghị định. Ông Đậu Anh Tuấn nêu quan điểm, đề án cho phép DN có quyền rộng hơn liên quan đến lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp, nhưng trong dự thảo cần làm rõ cách thức thực hiện để triển khai có hiệu quả trong thực tế. Điều quan trọng không chỉ liên quan đến tạo thuận lợi cho hoạt động XNK mà còn đảm bảo sự công bằng, minh bạch cho sự tham gia của các tổ chức đánh giá sự phù hợp.

Với sự ủng hộ của các bên có liên quan, cùng sự quyết tâm, khẩn trương triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính nhằm đổi mới căn bản công tác KTCN đối với hàng hóa XNK, trong thời gian qua Tổng cục Hải quan đã nghiên cứu, xây dựng Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Tổng cục Hải quan cũng đã chủ động thành lập Tổ soạn thảo Đề án đổi mới mô hình triển khai công tác KTCN đối với hàng hóa XNK; Bộ Tài chính đã thành lập Tổ công tác triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về cải cách công tác KTCN. Rất nhiều cuộc làm việc với chuyên gia trong nước, quốc tế, hiệp hội, các DN, nhà nghiên cứu; đồng thời báo cáo Văn phòng Chính phủ và nhận được chỉ đạo cũng như ý kiến tham gia của các bộ, ngành trong việc xây dựng Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Cùng với đó, Tổng cục Hải quan cũng nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm triển khai tại các nước để áp dụng tại Việt Nam để xây dựng mô hình mới về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Đề án bám sát mục tiêu cắt giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở cải cách thực chất công tác KTCN theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu, đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

trong Tin tức
Đẩy mạnh chi trả chế độ bảo hiểm xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt