Chat Zalo! Icon
Doanh nghiệp FDI có được kinh doanh tạm nhập tái xuất?

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý về Hải quan trên địa bàn, Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu gặp vướng mắc về thủ tục xuất khẩu hàng hóa nhập khẩu theo quyền nhập khẩu của doanh nghiệp FDI.

Cụ thể, Công ty TNHH De Heus (doanh nghiệp FDI có 100% vốn đầu tư nước ngoài có quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu theo Giấy chứng nhận đầu tư) đề nghị Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu hướng dẫn thủ tục Hải quan liên quan đến việc xuất khẩu hàng hóa đã nhập khẩu theo quyền nhập khẩu (loại hình A41 – nhập kinh doanh của doanh nghiệp FDI) ra nước ngoài.


Theo quy định của Nghị định số 09/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp FDI có quyền xuất khẩu được xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam.

Trong khi đó, Nghị định số 69/2018/NĐ-CP lại quy định, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được thực hiện tạm nhập tái xuất hàng hóa để phục vụ mục đích bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn; để tái chế, bảo hành; trưng bày hội chợ…; không được thực hiện hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa.

Căn cứ quy định trên, theo quan điểm của Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu, việc Công ty De Heus nhập khẩu hàng hóa mua từ nước ngoài theo quyền nhập khẩu sau đó xuất bán chính hàng hóa đó ra nước ngoài là hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất. Do vậy, công ty không được phép thực hiện hoạt động này.

Do đó, Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu báo cáo và đề nghị Tổng cục Hải quan có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể để có cơ sở hướng dẫn doanh nghiệp.

Theo: HaiQuanOnline

trong Tin tức
Hướng dẫn mới nhất xử lý hóa đơn điện tử viết sai mã số thuế