Chat Zalo! Icon
Chuyển hàng cho doanh nghiệp khác sản xuất, gia công sẽ được miễn thuế nhập khẩu

Đó là trả lời của Tổng cục Hải quan trước thắc mắc của nhiều DN Hàn Quốc liên quan đến vấn đề miễn thuế đối với hàng hóa NK để sản xuất hàng XK trong trường hợp gửi hàng hóa đi gia công.

DN nêu, theo quy định hiện hành, cơ sở để xác định hàng hóa được miễn thuế: Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa XK có cơ sở sản xuất hàng hóa XK trên lãnh thổ Việt Nam; có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất phù hợp với nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK để sản xuất hàng hóa XK và thực hiện thông báo cơ sở sản xuất theo quy định của pháp luật về hải quan.

 

DN nhấn mạnh, điều này có nghĩa là DN không được miễn thuế đối với hàng hóa NK để sản xuất hàng XK trong trường hợp gửi hàng hóa đi gia công. Do đó, DN đề nghị, cơ quan quản lý xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 10 và Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP cho phù hợp với thực tế.

Về vấn đề này, theo Tổng cục Hải quan, căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP thì cơ sở để xác định hàng hóa NK được miễn thuế là: 

a) Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa XK có cơ sở sản xuất hàng hóa XK trên lãnh thổ Việt Nam; có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất phù hợp với nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK để sản xuất hàng hóa XK và thực hiện thông báo cơ sở sản xuất theo quy định của pháp luật về hải quan;

b) Nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK được sử dụng để sản xuất sản phẩm đã XK.

Theo đó, từ ngày 1/9/2016, trường hợp tổ chức, cá nhân NK hàng hóa để sản xuất hàng XK, đã đưa hàng hóa NK vào sản xuất, sau đó thuê tổ chức, cá nhân khác thực hiện gia công hoặc sản xuất một hoặc một số công đoạn và nhận lại sản phẩm để tiếp tục sản xuất và/hoặc XK sản phẩm thì không đáp ứng cơ sở xác định hàng hóa được miễn thuế theo quy định tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ (không đáp ứng điều kiện có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất phù hợp với nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK để sản xuất hàng hóa XK) nên phần hàng hóa NK đã đưa cho DN khác sản xuất hoặc gia công không thuộc đối tượng được miễn thuế NK.

Tuy nhiên, liên quan đến thắc mắc này, tiếp thu ý kiến của Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 4765/VPCP-KSTT ngày 22/5/2018 về việc giao Bộ Tài chính “kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP theo hướng miễn thuế NK đối với nguyên phụ liệu đưa đi gia công tại cơ sở sản xuất khác và đối với hàng hóa NK để sản xuất hàng hóa XK bị tiêu hủy, trên cơ sở bình đẳng giữa loại hình sản xuất XK và loại hình gia công”, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 10 và Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung quy định về cơ sở để xác định miễn thuế trong trường hợp người nộp thuế đưa nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm NK cho DN khác gia công một hoặc một số công đoạn sau đó nhận lại sản phẩm đặt gia công để tiếp tục sản xuất sản phẩm XK thì người nộp thuế được miễn thuế NK đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm đã NK.

Nội dung sửa đổi, bổ sung về cơ sở miễn thuế đối với hàng hóa NK để sản xuất XK tại Khoản 2 Điều 12 dự thảo Nghị định 134/2016/NĐ-CP đã được trình Chính phủ như sau:

a) Người nộp thuế có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng cơ sở sản xuất hàng hóa XK, máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam phù hợp với nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK để sản xuất hàng hóa XK. Người nộp thuế thực hiện thông báo về cơ sở sản xuất, máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất của người nộp thuế cho cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật hải quan.

b) Trường hợp người nộp thuế đưa một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm đã NK hoặc bán thành phẩm được sản xuất từ nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK để thuê đơn vị khác có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng cơ sở sản xuất, máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện gia công một hoặc một số công đoạn của sản phẩm sau đó nhận lại bán thành phẩm để tiếp tục sản xuất sản phẩm XK hoặc nhận lại thành phẩm để XK thì người nộp thuế được miễn thuế NK đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm. Người nộp thuế phải thực hiện thông báo cơ sở sản xuất của người nhận gia công, hợp đồng gia công cho cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật hải quan.

Trường hợp người nộp thuế đưa một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm NK cho tổ chức do người nộp thuế sở hữu 100% vốn điều lệ và tổ chức nhận sản xuất phải có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng cơ sở sản xuất, máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam để sản xuất một số công đoạn hoặc toàn bộ công đoạn sau đó nhận lại bán thành phẩm để tiếp tục sản xuất sản phẩm hoặc để XK thì người nộp thuế được miễn thuế NK đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm.

Trường hợp người nộp thuế XK ra nước ngoài hoặc vào khu phi thuế quan một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm đã NK hoặc bán thành phẩm được sản xuất từ nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK để thuê gia công một hoặc một số công đoạn của sản phẩm, sau đó NK sản phẩm thuê gia công trở lại Việt Nam để tiếp tục sản xuất và XK sản phẩm thì người nộp thuế phải thực hiện thông báo cơ sở sản xuất, hợp đồng gia công cho cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật hải quan, được miễn thuế XK đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm XK để thuê gia công. Sản phẩm thuê gia công tại nước ngoài NK trở lại Việt Nam phải nộp thuế NK theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 11 Nghị định này. Sản phẩm thuê gia công tại khu phi thuế quan NK trở lại Việt Nam phải nộp thuế NK theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 Nghị định này.

c) Người nộp thuế có trách nhiệm thực hiện quyết toán tình hình sử dụng hàng hóa được miễn thuế theo quy định của pháp luật hải quan”.

Như vậy, nội dung sửa đổi bổ sung tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP đã đáp ứng kiến nghị của DN.

trong Tin tức
BHXH Việt Nam xây dựng “Hệ sinh thái 4.0” phục vụ người tham gia BHXH, BHYT