Chat Zalo! Icon
Ưu tiên hỗ trợ người nộp thuế vượt qua đại dịch

Ngày 16/4, tại cuộc họp trực tuyến với toàn thể lãnh đạo chủ chốt hệ thống thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn đã quán triệt những nội dung công việc trọng tâm phải triển khai trong tháng 4.


 Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, trong 3 tháng đầu năm, tổng thu NSNN do cơ quan thuế quản lý ước đạt 351 ngàn tỷ đồng, bằng 28% dự toán, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù vẫn duy trì được tốc độ tăng song tiến độ thu các tháng đang có xu hướng giảm do tác động của dịch bệnh Covid-19 lây lan trên toàn cầu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế xã hội thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. 

 Cụ thể, thuế GTGT từ mức tăng 8% của quý IV/2019 đã giảm xuống mức tăng 4,7% trong 2 tháng đầu năm, đến tháng 3 chỉ còn tăng 4,5%, tính chung lũy kế 3 tháng tăng 2,5%. Tương tự, thuế TTĐB từ mức tăng 9,5% của quý IV/2019 giảm xuống còn tăng 8,6% trong 2 tháng đầu năm, lũy kế 3 tháng chỉ còn tăng 4,6%. Riêng thuế TNDN ước đạt 75.600 tỷ đồng, bằng 29,5% dự toán, tăng 16% so với cùng kỳ, chủ yếu do tháng 1/2020 là thời điểm đến hạn tạm nộp thuế TNDN quý 4/2019 của các DN, tháng 3 là thời điểm nộp quyết toán thuế TNDN của năm 2019. Đồng thời, tình hình kinh tế năm 2019 tăng trưởng khá, số DN phát sinh thuế TNDN lớn và tập trung nộp thuế vào quý IV/2019, dẫn đến số thuế TNDN đạt khá.

 Xét theo địa phương, có 45/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán đạt cao hơn 26% là: Phú Thọ; Kiên Giang; Đồng Nai; Bình Phước; Bắc Ninh; Nghệ An; Bà Rịa - Vũng Tàu; Bình Dương; Long An; Thừa Thiên Huế; Đắk Lắc; Bình Thuận... Có 7/63 địa phương thu đạt ở mức trung bình từ 23% đến dưới 26%. Còn 11/63 địa phương có tiến độ thu đạt thấp (dưới 23%).

 Đến thời điểm này, bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp, nhiều hoạt động kinh tế bị ngưng trệ, nhiều ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nhất là vận tải hàng không, du lịch, dịch vụ ăn uống, lưu trú... Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp cũng chịu tác động không nhỏ khi hầu hết các thị trường xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu nguyên vật liệu của Việt Nam như Trung Quốc, EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN đều chịu tác động nghiêm trọng của dịch bệnh. Để kịp thời hỗ trợ DN, Bộ Tài chính đã tham mưu trình Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 (NĐ 41) về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Trên cơ sở này, với tinh thần quyết tâm thực hiện đạt mức cao nhất nhiệm vụ thu năm 2020, người đứng đầu ngành thuế đề nghị Cục trưởng các Cục Thuế chỉ đạo các chi cục thuế đánh giá tác động, tổng hợp để nắm bắt thực tế ảnh hưởng nguồn thu trên địa bàn do thực hiện gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo NĐ 41, từ đó báo cáo Tổng cục và chủ động có phương án, kịch bản điều hành thu trên địa bàn.

Trước mắt, cơ quan thuế tạo mọi điều kiện để hỗ trợ DN, người dân theo phương thức online, tập trung tuyên truyền, giải thích để người nộp thuế hiểu và thực hiện đúng những quy định về giãn thời gian nộp thuế. Đồng thời, chỉ đạo các bộ phận chức năng (kê khai, thanh tra, kiểm tra,...) rà soát hồ sơ gia hạn, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cho người nộp thuế. Đặc biệt, Cục Thuế phải chủ động phối hợp với Chi nhánh Phòng thương mại CN Việt Nam tại địa phương trong quá trình thực hiện gia hạn nộp thuế cho DN, rà soát đối tượng được gia hạn cũng như đối tượng hộ kinh doanh được hưởng trợ cấp (hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm). Tạo điều kiện về mặt thủ tục cho các hộ và cá nhân kinh doanh khi kê khai tiền thuế khoán được miễn giảm do ngừng/nghỉ được tính trọn tháng kể cả trong trường hợp ngừng nghỉ không trọn tháng.

Đối với Nghị quyết 42/NĐ-CP ngày 9/4/2020 về hỗ trợ người dân gặp khó khăn, trong đó có hỗ trợ cho hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, đề nghị Cục trưởng chỉ đạo các chi cục thuế phối hợp chặt chẽ với Phòng Lao động thương binh xã hội các quận/huyện/thị xã, một mặt cung cấp danh sách, một mặt rà soát để nắm bắt ngược trở lại đối tượng, phục vụ công tác quản lý sau này.

Hiện nay, theo đánh giá của Chính phủ, ngoài Hà Nội và TP HCM thì 10 địa phương khác cũng thuộc nhóm nguy cơ cao lây nhiễm nCoV (Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Tây Ninh, Hà Tĩnh) và 15 tỉnh, TP thuộc nhóm có nguy cơ (Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Thái Nguyên, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp). Theo đó, với 2 nhóm này Thủ tướng yêu cầu thực hiện Chỉ thị 15 kết hợp Chỉ thị 16 đến ngày 22/4 và sau đó sẽ tùy thuộc tình hình để tính tiếp. Với 36 địa phương còn lại được đánh giá nguy cơ thấp, các Cục trưởng căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn để chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra DN và đôn đốc thu hồi nợ thuế. Ngoài ra, cơ quan thuế tập trung rà soát các dự án đấu giá tiền sử dụng đất trên địa bàn đã triển khai cuối quý IV năm trước và quý I năm nay, cũng như các dự án sắp triển khai để tham mưu cho UBND chỉ đạo các ngành đẩy nhanh tiến độ, thu kịp thời vào NSNN.

 Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh, trên tinh thần hợp tác, chia sẻ, tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng DN vượt qua giai đoạn khó khăn, đề nghị Cục trưởng các cục thuế tiếp tục làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương của ngành, đảm bảo cán bộ công chức chấp hành đúng quy định, quy trình khi giải quyết công việc. Đặc biệt, phát huy khí thế của chiến thắng 30/4, toàn ngành tiếp tục đoàn kết, thống nhất, đồng lòng, chung sức cùng đất nước đẩy lùi đại dịch, nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định và phục hồi tăng trưởng. 

trong Tin tức
Những điều cần biết về bảo hiểm xã hội trong mùa dịch