Chat Zalo! Icon
Từ 2020, khi nào bán hàng mà không phải xuất hóa đơn?

Hiện nay, các quy định về hóa đơn điện tử và hóa đơn giấy đang cùng có hiệu lực. Vậy, trong hoạt động kinh doanh, nhất là lĩnh vực bán lẻ, khi khách hàng không lấy hóa đơn thì có phải lập hóa đơn không?

Trước ngày 01/11/2020

* Đối với hóa đơn giấy:

(Gồm hóa đơn tự in, hóa đơn đặt tin, hóa đơn đặt mua của cơ quan thuế).

Theo khoản 1 Điều 18 Thông tư 39/2014/TT-BTC, khi bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần bán thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn.

Lưu ý: Tuy không phải lập hóa đơn nhưng người bán phải lập Bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ.

Khoản 7 Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 119/2014/TT-BTC) quy định:

Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hoá đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế.

Như vậy, khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn thì vẫn phải lập hóa đơn.


* Với hóa đơn điện tử:

Trong thời gian từ ngày 01/11/2018 đến ngày 31/10/2020, Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP về hóa đơn vẫn có hiệu lực thi hành. Do vậy, việc quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử trong thời gian này thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 31/2011/TT-BTC và Thông tư 39/2014/TT-BTC.

Theo đó, trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần (kể cả trường hợp người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) và trường hợp bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị dưới 200.000 đồng mà người mua yêu cầu lấy hóa đơn thì phải lập hóa đơn. Trường hợp người mua không yêu cầu lấy hóa đơn thì thực hiện như đối với hóa đơn giấy.

Từ ngày 01/11/2020 trở đi

Từ ngày 01/11/2020, tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP hướng dẫn bởi Thông tư 68/2019/TT-BTC. Tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định:

“Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán (trừ hộ, cá nhân kinh doanh quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định này) phải lập hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Nghị định này, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ”.

Theo khoản 1 Điều 12 Nghị định 119/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Như vậy, từ ngày 01/11/2020, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh khi bán hàng, cung cấp dịch vụ phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định và phải ghi đầy đủ nội dung, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Khi đó, dù người mua không lấy hóa đơn nhưng dữ liệu vẫn được kết nối với cơ quan thuế.

Kết luận:

- Từ nay đến ngày 31/10/2020 chỉ duy nhất 01 trường hợp không phải lập hóa đơn đó là tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trừ trường hợp người mua yêu cầu.

- Từ ngày 01/11/2020 trở đi, mọi trường hợp bán hàng, cung cấp dịch vụ phải lập hóa đơn điện tử và giao cho người mua, không phân biệt giá trị từng lần bán.

trong Tin tức
Tạo thuận lợi thương mại nhờ cải cách, hiện đại hoá hải quan