Chat Zalo! Icon
Tiến tới đóng bảo hiểm xã hội 10 năm
18 tháng 8, 2023 bởi

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lựa chọn giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm là cần thiết để hướng tới mục tiêu sau này là 10 năm.

Ngày 17-8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trình dự án Luật BHXH (sửa đổi).

Giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm

Một trong những thay đổi đáng chú ý ở lần sửa đổi này là giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, về nguyên lý BHXH và thông lệ quốc tế, người lao động để được hưởng lương hưu thì phải đáp ứng đồng thời 2 điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng BHXH tối thiểu. Riêng điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu theo quy định hiện hành là phải đủ 20 năm.

"Quy định hiện hành đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng do không đóng BHXH đủ 20 năm" - ông Đào Ngọc Dung nói. Do vậy, dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh một trong những lý do được nêu ra về rút BHXH một lần là do thời gian đóng để hưởng quá dài. "Thực tiễn cũng dài và so với thông lệ quốc tế cũng dài, hiện nay là 20 năm. Người ta đi làm trong lúc khó khăn, thời kỳ đại dịch COVID-19, giữa 20 năm sau với cái trước mắt thì đôi khi bắt buộc người lao động phải chọn cái trước mắt bởi thấy dài quá" - Chủ tịch QH nói và nêu rõ Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH hướng tới lộ trình đóng BHXH 10 năm sẽ được hưởng lương hưu nhưng cũng có đoạn trung gian là 10, 15 năm. Chính vì vậy, dự thảo Luật lựa chọn giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm là cần thiết để hướng tới mục tiêu sau này là 10 năm.

Tham gia thảo luận, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội, cho rằng việc quy định giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu là phù hợp với Nghị quyết 28 của trung ương. Đó là sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí xuống 15 năm và hướng tới là còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi có số năm tham gia BHXH thấp hơn được tiếp cận và thụ hưởng với quyền lợi BHXH.

Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết đề xuất giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm được người lao động đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, người lao động có tuổi đời cao từ 45 tuổi trở lên tham gia BHXH để được thực hiện chế độ hưu trí vẫn còn băn khoăn. Bởi theo ông Anh, lao động nam có 15 năm đóng BHXH thì tỉ lệ hưởng lương hưu là 33,75%, nếu nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi thì bị trừ 10% nên tỉ lệ hưởng lương hưu chỉ còn 23,75%. Do đó, vấn đề này cần xem xét ở khía cạnh có hỗ trợ đối với đối tượng khi về hưu có thu nhập thấp, không bảo đảm được cuộc sống tối thiểu.

Đề xuất hai phương án rút bảo hiểm xã hội một lần. Đồ họa: NGỌC TRINH

Hai phương án rút BHXH một lần

Để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, dự thảo Luật đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần. Dự thảo Luật đã đề xuất 2 phương án về hưởng BHXH một lần (xem đồ họa).

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm và còn nhiều ý kiến khác nhau. Trong khi đó, đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng đến quyền lợi và tác động đến tâm lý người lao động. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, cân nhắc thêm các phương án khác, đánh giá toàn diện để quyết định việc đề xuất phương án theo hướng bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài của người lao động tham gia bảo hiểm nhưng cũng hài hòa với nguyên tắc đóng - hưởng, có chia sẻ của BHXH.

Về vấn đề này, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh mỗi phương án theo tờ trình của Chính phủ phân tích có ưu điểm và các mặt khác nhau, trong đó phương án 2 mềm dẻo, hài hòa hơn. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, Chủ tịch QH đề xuất phương án có thể tích hợp, sử dụng mặt tốt nhất của 2 phương án để ra một phương án.

Theo đó, đối với những người tham gia sau khi luật có hiệu lực không được rút BHXH một lần khi đang trong độ tuổi lao động. Với người tham gia trước khi luật sửa đổi có hiệu lực được rút nhưng chỉ rút phần đã đóng, còn một phần vẫn là tích lũy, lưu trong hệ thống bảo hiểm. Việc làm này, theo Chủ tịch QH, vừa để giúp người lao động giải quyết khó khăn trước mắt nhưng vẫn lưu lại trong hệ thống và có thể quay trở lại đóng và bảo đảm mạng lưới an sinh xã hội. 

Cần quy định thời hạn DN được nợ đóng BHXH

Tại phiên họp, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tình với việc cần có giải pháp xử lý nghiêm việc DN nợ đóng, trốn đóng BHXH nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động. Ông Công kiến nghị trong dự thảo Luật cần quy định cụ thể về việc chậm đóng BHXH của DN, bởi việc đóng còn phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố khách quan như thiên tai, hỏa hoạn, hạn hán, dịch bệnh. Cùng với đó, dự thảo cần quy định thời hạn DN được nợ đóng BHXH cho người lao động như thế nào và quy định rõ chế tài để xử lý DN không tuân thủ.