Thực hiện thống nhất chính sách thuế GTGT đối với hàng hóa xuất nhập khẩu

Thời gian qua, cơ quan Hải quan đã nỗ lực triển khai thực hiện các quy định, chính sách, pháp luật về thuế GTGT, tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn bộc lộ những hạn chế, bất cập, gây nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện tại các đơn vị nghiệp vụ. Mặc dù vậy, cơ quan Hải quan đã chỉ đạo thống nhất trong toàn Ngành tích cực thực hiện nhiều giải pháp để các chính sách pháp luật đạt hiệu quả tối đa.

 

Khó khăn và hướng xử lý

Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Luật số 106/2016/QH13 đã sửa đổi, bổ sung khoản 23 Điều 5 Luật Thuế GTGT: “Sản phẩm XK là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác; sản phẩm XK là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên”, thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Tuy nhiên, theo đại diện Cục Thuế XNK, Tổng cục Hải quan, thực tế thực hiện việc xác định tỷ lệ 51% đối với tài nguyên khoáng sản để xác định chính sách thuế GTGT thời gian qua có nhiều bất cập, khó khăn cho cơ quan Hải quan. Cụ thể, do mỗi DN có địa điểm sản xuất, quy trình sản xuất, trang thiết bị khác nhau dẫn đến tỷ trọng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng trong giá thành sản phẩm khác nhau. Hay DN mua sản phẩm qua nhiều khâu thương mại rất khó để cơ quan quản lý xác định đúng “tỷ lệ” quy định.

Trước thực tế đó, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đánh giá, kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung quy định về thuế GTGT đối với “sản phẩm XK là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” theo hướng: tại dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi) quy định trách nhiệm các bộ, ngành trong việc xây dựng Danh mục tài nguyên khoáng sản chưa chế biến thành sản phẩm khác và đã chế biến thành sản phẩm khác.

Liên quan đến trách nhiệm về việc hoàn tiền thuế GTGT nộp thừa, khoản 1 Điều 60 Luật Quản lý thuế quy định việc xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa; Điều 22 Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định việc tổ chức thu thuế GTGT: “Cơ quan Thuế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý thu thuế GTGT và hoàn thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh; cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý thu thuế GTGT đối với hàng hóa NK”.

Theo đó, cơ quan Thuế hoàn thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh; cơ quan Hải quan hoàn thuế GTGT nộp thừa đối với hàng hoá NK (cơ quan Hải quan chỉ hoàn tiền thuế GTGT nộp thừa). Cụ thể, cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra, rà soát hồ sơ hoàn thuế GTGT nộp thừa và xử lý đối với hàng hóa NK sau đó xuất trả lại chủ hàng nước ngoài hoặc xuất trả lại chủ hàng ở khu phi thuế quan, tờ khai tái xuất đăng ký từ ngày 1/2/2018 trở đi thuộc thẩm quyền của cơ quan Hải quan hoàn thuế GTGT nộp thừa.

Còn đối với hàng hóa NK sau đó XK theo hợp đồng bán hàng vào khu phi thuế quan hoặc xuất sang nước thứ ba; hàng hóa XK ra nước ngoài thì thuế GTGT thuộc trường hợp khấu trừ, hoàn thuế của cơ quan Thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 146/2017/NĐ-CP.

Tổng cục Hải quan cũng đã yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành rà soát lại hồ sơ hoàn thuế, trường hợp xác định tờ khai tái xuất cho đối tượng không phải là chủ hàng nước ngoài hoặc chủ hàng ở khu phi thuế quan không thuộc thẩm quyền hoàn thuế GTGT của cơ quan Hải quan; cục trưởng các cục hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo thu hồi số tiền thuế GTGT đã hoàn không đúng quy định của pháp luật về thuế GTGT, thông báo và chuyển thông tin cho cơ quan Thuế nơi quản lý DN để xử lý tiếp các thủ tục theo quy định của pháp luật về thuế GTGT.

Đối với trường hợp thuộc đối tượng xử lý tiền thuế nộp thừa thuộc thẩm quyền hoàn thuế của cơ quan Hải quan nhưng cơ quan Thuế đã thực hiện khấu trừ, hoàn thuế, Tổng cục Hải quan đề nghị cục hải quan tỉnh, thành phố phối hợp với cục thuế tỉnh, thành phố xác định chính xác số tiền thuế GTGT nộp thừa khâu NK, số tiền thuế GTGT đã khấu trừ tại cơ quan Thuế, số tiền thuế còn nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản phải nộp khác. Trường hợp cục thuế tỉnh, thành phố thu hồi số tiền thuế GTGT đầu vào đã hoàn thì cục hải quan tỉnh, thành phố hoàn trả tiền thuế nộp thừa cho người nộp thuế theo quy định.

Chỉ đạo triển khai thống nhất

Để thực hiện thống nhất các quy định, chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan, Tổng cục Hải quan đề nghị các đơn vị trong quá trình thực hiện chính sách thuế GTGT cho đối tượng hàng hoá XNK cần lưu ý một số nội dung.

Cụ thể, nhằm thực hiện việc xác định tỷ lệ 51% đối với tài nguyên khoáng sản để xác định chính sách thuế GTGT, tại khâu thông quan, Tổng cục Hải quan yêu cầu cần kiểm tra văn bản của cơ quan chuyên ngành để xác định đối tượng không chịu thuế GTGT. Trong đó, việc xác định tỷ lệ 51% căn cứ vào khai báo của người khai hải quan, ghi chú trên hệ thống, chuyển thông tin để xử lý sau khi hàng hoá đã thông quan.

Đối với khâu kiểm tra sau thông quan, trường hợp kiểm tra DN sản xuất, kiểm tra thông tin giá thành sản phẩm (được xác định vào cuối kỳ kế toán hoặc khi kết thúc chu kỳ sản xuất, kinh doanh của sản phẩm, đơn hàng) kết hợp với kiểm tra các chi phí lưu động như tiền lương, chi phí năng lượng (điện, xăng, dầu), chi phí vận tải,… (được xác định vào cuối tháng hoặc quý), trên cơ sở đó xác định tính chính xác việc khai báo của DN về tỷ lệ 51%.

Trường hợp kiểm tra DN thương mại, các đơn vị cần kiểm tra, xác minh, đối chiếu bảng cam kết tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm của DN khai thác, chế biến do DN thương mại xuất trình, phối hợp với cơ quan Thuế nội địa để thu thập thông tin chứng từ, sổ sách kế toán có liên quan đến đến chi phí sản xuất khoáng sản của DN khai thác, chế biến và kết quả xác định tỷ lệ 51% đối với DN khai thác, chế biến của cơ quan Thuế nội địa.

Liên quan đến việc giảm thuế GTGT theo Nghị định 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội, Tổng cục Hải quan đã thường xuyên có văn bản hướng dẫn các đơn vị hải quan địa phương thực hiện giảm thuế GTGT đối với thiết bị điện tử gia dụng; thiết bị điện tử chuyên dùng; sản phẩm hóa chất và hóa chất cơ bản; kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn…

Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, so với Nghị định 15/2022/NĐ-CP áp dụng giảm thuế GTGT trong năm 2022, Nghị định 44/2023/NĐ-CP áp dụng giảm thuế GTGT 6 tháng cuối năm 2023. Đối với mã số HS ở cột (10) phụ lục 1, cột (10) phần a và cột (4) phần b phụ lục 3 chỉ để tra cứu. Trong đó, việc xác định mã số HS đối với hàng hoá thực tế NK thực hiện theo quy định về phân loại hàng hoá tại Luật Hải quan và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Hải quan.

Haiquanonline.vn


Chia sẻ bài này
Đăng nhập để viết bình luận
Nhiều trường hợp được tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội