Tăng cường quản lý, tháo gỡ các vướng mắc về hoàn thuế GTGT

Năm 2024, ngành Thuế xác định nhiệm vụ trọng tâm là kiểm soát chặt chẽ số chi hoàn thuế GTGT đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định tại Luật Thuế GTGT và Luật NSNN.

Điện tử hóa tối đa các khâu trong công tác hoàn thuế

Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, tính đến hết ngày 6/12/2023, cơ quan Thuế đã ban hành 17.087 quyết định hoàn thuế GTGT với tổng số tiền thuế hoàn là 130.997 tỷ đồng, bằng 81,8% so với ước thực hiện năm 2023 Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ (160.000 tỷ đồng), bằng 95% cùng kỳ năm 2022. Trong đó, hoàn cho xuất khẩu là 15.453 quyết định với tổng số tiền được hoàn là 109.243 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 83,4% tổng số đã hoàn, bằng 88% so với cùng kỳ năm 2022; hoàn cho dự án đầu tư là 863 quyết định với tổng số tiền được hoàn là 21.257 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16,2% tổng số đã hoàn, bằng 152% so với cùng kỳ năm 2022; hoàn cho trường hợp khác là 771 quyết định với tổng số tiền được hoàn là 498 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,4% tổng số đã hoàn, bằng 121% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong năm qua, ngành Thuế đã triển khai nhiều giải pháp trong quản lý hoàn thuế GTGT nhằm đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là công tác hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ trong giải quyết hoàn thuế GTGT. Theo đó, đơn vị đã ban hành Quy trình hoàn thuế số 679/QĐ-TCT ngày 31/5/2023 thay thế cho Quy trình hoàn thuế 905, đồng thời nâng cấp, hoàn thiện ứng dụng quản lý thuế, tập trung phân hệ giải quyết hồ sơ hoàn thuế, đáp ứng điện tử hóa tối đa các khâu trong công tác hoàn thuế GTGT, từ khâu tiếp nhận, chấp nhận hồ sơ đề nghị hoàn, phân loại hồ sơ hoàn thuế, khâu xử lý hồ sơ, thẩm định, ban hành quyết định hoàn thuế tới chi hoàn thuế GTGT. Tất cả đều được thực hiện, điện tử hóa trên ứng dụng quản lý thuế tập trung. Đồng thời, ngành Thuế ban hành Quyết định số 1388/QĐ-TCT ngày 18/9/2023 về việc áp dụng quản lý rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế tự động,

Ngoài ra, trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị của cơ quan Thuế các cấp, Vụ Kê khai đã trình Tổng cục Thuế phân công các vụ/cục/đơn vị trực thuộc triển khai việc hoàn thiện các ứng dụng có liên quan để phục vụ tốt hơn công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT của cơ quan Thuế các cấp. Cụ thể: ứng dụng điện tử hỗ trợ xác minh hóa đơn; ứng dụng khai thác tờ khai hải quan; ứng dụng eTax trong việc hỗ trợ người nộp thuế nộp hồ sơ hoàn thuế GTGT theo phương thức điện tử; ứng dụng hóa đơn điện tử để phục vụ cơ quan Thuế các cấp trong khai thác, sử dụng dữ liệu về hóa đơn điện tử phục vụ công tác đối chiếu, xác minh hóa đơn, giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT…

Nhằm nắm bắt kịp thời các vướng mắc, tồn đọng trong công tác hoàn thuế GTGT để có chỉ đạo sâu sát, kịp thời, Tổng cục Thuế tổ chức nhiều đoàn công tác về hoàn thuế GTGT làm việc trực tiếp tại các cục thuế tỉnh, thành phố: Hà Nội, TPHCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương nắm bắt các vướng mắc, tồn đọng cũng như các kiến nghị, đề xuất của cơ quan Thuế các cấp trong công tác quản lý hoàn thuế GTGT. Trên cơ sở đó đã kịp thời có các văn bản chỉ đạo đẩy mạnh giải quyết hoàn thuế GTGT…

Tập trung giải quyết hoàn thuế GTGT để hỗ trợ người nộp thuế

Nhiệm vụ trọng tâm trong hoàn thuế GTGT năm 2024 được ngành Thuế đặt ra là kiểm soát chặt chẽ số chi hoàn thuế GTGT năm 2024 đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoàn thuế GTGT, trong đó, chú trọng việc chủ động rà soát các chuỗi doanh nghiệp có mua bán hàng hóa với các doanh nghiệp hoàn thuế trước khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị hoàn thuế, qua đó sớm xác định các trường hợp rủi ro cao về hoàn thuế GTGT để có phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT phù hợp, đẩy nhanh thời gian hoàn thuế, tập trung nguồn lực vào việc kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao, gian lận hoàn thuế GTGT. Đồng thời, tiếp tục tổng hợp các vướng mắc về mặt chính sách đối với hoàn thuế GTGT, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách để tháo gỡ vướng mắc.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn, năm 2024, Tổng cục Thuế tiếp tục tăng cường công tác quản lý hoàn thuế GTGT, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc về hoàn thuế, giải quyết hoàn thuế kịp thời cho người nộp thuế đảm bảo đúng đối tượng, chính sách pháp luật quy định. Trong năm 2024, ngành Thuế cũng sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT phục vụ công tác quản lý thuế; tiếp tục duy trì, vận hành ổn định, hiệu quả hệ thống hóa đơn điện tử; khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, triển khai trung tâm dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ứng dụng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích, đối soát dữ liệu hóa đơn điện tử, phân tích rủi ro về hóa đơn, hoàn thuế... nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Chỉ đạo triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu Tổng cục Thuế tập trung giải quyết hoàn thuế GTGT để hỗ trợ người nộp thuế có nguồn vốn sản xuất kinh doanh, đảm bảo kịp thời, thận trọng, chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật. Việc quản lý chặt vấn đề hoàn thuế vừa bảo vệ cán bộ thực thi nhiệm vụ, vừa giúp tăng thu cho ngân sách, tránh thất thu ngân sách. Đồng thời, chủ động thanh tra các đối tượng hoàn thuế thường xuyên để góp phần rút ngắn thời gian hoàn thuế; ứng dụng quản lý rủi ro, chủ động trong công tác thanh tra, thanh tra trước để đẩy nhanh, hỗ trợ công tác giải quyết hoàn ngay từ những tháng đầu năm.

Theo: www.haiquanonline.com.vn

Chia sẻ bài này
Đăng nhập để viết bình luận
Liên tục đổi mới phương thức tuyên truyền hỗ trợ cho người nộp thuế