Chat Zalo! Icon
Sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp giảm thuế giá trị gia tăng

Bắt đầu từ ngày 1/7/2023, nhiều mặt hàng có mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) 10% sẽ giảm xuống còn 8% theo nghị quyết của Quốc hội. Để doanh nghiệp không bị lúng túng trong việc xác định nhóm hàng hóa được giảm thuế, ngành Thuế cho biết, sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện giảm thuế GTGT.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Giảm thuế để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Theo ước tính, việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 24.000 tỷ đồng. Tính riêng số thu ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến giảm 20.000 tỷ đồng do số thu thuế GTGT phải nộp của tháng 12/2023 sẽ nộp trong tháng 1/2024.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, nền kinh tế và doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, tạo sức ép lớn tới ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi và phát triển nhiều ngành, lĩnh vực, việc tiếp tục giảm thuế GTGT 2% là cần thiết, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Qua đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam đánh giá, chính sách giảm thuế GTGT thời gian qua đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Chính sách giảm thuế GTGT không chỉ tiết kiệm chi phí cho người dân, kích cầu tiêu dùng, mà còn thúc đẩy đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT là hết sức đúng đắn và cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Giảm thuế góp phần kích cầu tiêu dùng

Trong năm 2022, việc thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khoảng 44.500 tỷ đồng. Qua đó, góp phần giảm giá thành hàng hoá, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Năm 2023, việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT, ước giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 24.000 tỷ đồng.

Hiện nay Bộ Tài chính đang chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn Nghị quyết về chính sách giảm thuế GTGT. Để doanh nghiệp không bị lúng túng trong việc thực hiện giảm thuế theo quy định của Quốc hội, Chính phủ, Tổng cục Thuế đã có công văn đề nghị các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử (tổ chức nhận, truyền và lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử và tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử), tổ chức kết nối truyền nhận dữ liệu trực tiếp với cơ quan thuế, tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN nghiên cứu, chuẩn bị sẵn sàng nâng cấp giải pháp hóa đơn điện tử và giải pháp nâng cấp các biểu mẫu kê khai thuế GTGT theo quy định về giảm thuế GTGT năm 2023 tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2023.

Sau khi nghị định và văn bản hướng dẫn được ban hành, Tổng cục Thuế sẽ có thông báo để các tổ chức thực hiện nâng cấp giải pháp hóa đơn điện tử, giải pháp nâng cấp các mẫu biểu kê khai thuế GTGT đáp ứng quy định về giảm thuế GTGT.

Hỗ trợ người nộp thuế qua nhiều phương thức

Theo ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín, để chính sách giảm thuế GTGT phát huy tối đa hiệu quả, doanh nghiệp rất mong muốn được cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn chi tiết, cụ thể, dễ nắm bắt thực hiện. Các cơ quan quản lý cần phối hợp để xác định mã ngành nào được giảm và không được giảm. Sau khi Quốc hội có Nghị quyết cho giảm thuế, Nghị định hướng dẫn của Chính phủ cũng cần có một khoảng mở để giao cho Bộ Tài chính, ngành Thuế hướng dẫn chi tiết cho người dân, doanh nghiệp, nếu trong quá trình thực hiện có vướng mắc.

“Đối với doanh nghiệp, do quy định của chính sách năm nay không thay đổi nhiều so với năm 2022, nên các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu tiếp cận để hiểu thấu đáo hơn. Đặc biệt về ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm... các doanh nghiệp cũng cần chủ động hoàn thiện để xuất hóa đơn” - ông Được lưu ý.

Thông tin về vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thụ hưởng chính sách của Nhà nước, lãnh đạo Cục Thuế Bắc Giang cho biết, năm 2022, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nội dung quan trọng và nhận được sự quan tâm nhiều nhất là chính sách miễn, giảm thuế GTGT, Cục Thuế Bắc Giang đã ban hành văn bản hướng dẫn về nội dung giảm 2% thuế GTGT để các doanh nghiệp, người nộp thuế trên địa bàn áp dụng thực hiện theo đúng quy định.

Cùng với đó, Cục Thuế Bắc Giang đã chỉ đạo các phòng, chi cục thuế chủ động thực hiện các chính sách hỗ trợ người nộp thuế. Đồng thời bám sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, dự báo nguồn thu có biến động tăng giảm để có giải pháp khai thác nguồn thu phát sinh kịp thời, bù đắp các khoản giảm thu, hụt thu, phấn đấu đạt và vượt tiến độ thu ngân sách theo tháng, theo quý được giao.

Ông Nguyễn Đức Huy - Phó Cục trưởng Cục Thuế Vĩnh Phúc cho biết, năm 2022, trong quá trình thực hiện quy định về miễn, giảm thuế, cục thuế đã công khai số điện thoại của phòng tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế để doanh nghiệp liên hệ khi gặp vướng mắc.

“Cùng với việc hỗ trợ bằng phương thức gửi văn bản, hỗ trợ trực tiếp tại trụ sở cơ quan thuế và hỗ trợ qua điện thoại, Cục Thuế Vĩnh Phúc còn biên soạn tài liệu hướng dẫn chi tiết người nộp thuế các bước xác định danh mục các sản phẩm cần tra cứu mã hàng hóa, dịch vụ; xác định mã hàng hóa, dịch vụ; đối chiếu mã hàng hóa, dịch vụ để xác định mức thuế GTGT” - ông Huy thông tin.


Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): 'Gỡ khó' cho chuyển đổi số