Chat Zalo! Icon
Rút BHXH một lần ảnh hưởng quyền lợi người lao động và chính sách an sinh

Để ngăn chặn tình trạng rút BHXH 1 lần, bên cạnh duy trì sản xuất, tạo việc làm ổn định, chính sách cần phải khuyến khích được người lao động tiếp tục tham gia đóng BHXH để hưởng lương hưu.

Theo thống kê, giai đoạn 2016-2021, toàn quốc có hơn 4 triệu người xin giải quyết rút BHXH một lần, chưa tính số lao động thuộc Bộ Quốc phòng, Công an. Riêng năm 2022, khoảng 895.500 người rút, tăng 3,7% so với cùng kỳ 2021. 

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN) nhận định, với tình trạng thiếu đơn hàng, sản xuất tiếp tục khó khăn, từ nay đến giữa năm 2023 làn sóng rút BHXH một lần có thể gia tăng. Hiện ngoài 42.000 công nhân mất việc, còn có hơn 500.000 người thiếu việc làm tại 1.500 doanh nghiệp trên cả nước.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng LĐLĐVN cho biết, theo quy định, người lao động sau một năm nghỉ việc mà không tìm được việc làm mới, không tiếp tục đóng BHXH thì đủ điều kiện rút một lần, xong về già không có lương hưu.

Việc người lao động rút BHXH một lần chiếm tỷ lệ cao không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, mà còn tác động chung đến chính sách an sinh xã hội của đất nước. 

Tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động

Ông Quảng cho rằng, để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần phải có nhiều giải pháp, trong đó tổng thể quan trọng nhất là phải đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định, bền vững cho người lao động. 

“Thực tế, qua theo dõi những người rút BHXH một lần thường có nơi làm việc không tốt, thu nhập không thực sự ổn định, không có tích lũy, nên khi gặp khó khăn họ rút tất. Do vậy, tạo việc làm, thu nhập ổn định rất quan trọng”, ông Quảng nhấn mạnh.

Duy trì đảm bảo việc làm và thu nhập sẽ hạn chế được người lao động rút BHXH một lần. Ảnh: Lợi Đăng.

Đồng quan điểm, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, để tạo việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động thì phải duy trì hoạt động sản xuất ổn định.

Theo ông Huân, hiện nhiều doanh nghiệp duy trì sản xuất đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, không có tình trạng rút BHXH một lần. Do vậy, về mặt vĩ mô, nhà nước cần tiếp tục mở rộng thị trường thông qua việc tăng cường các hiệp định thương mại để đưa hàng hoá ra nước ngoài. Thông qua đó, kết nối tạo việc làm cho doanh nghiệp, người lao động. 

Đặc biệt, nếu tham gia tốt hơn chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tạo việc làm nhiều hơn, mặt bằng thu nhập của người lao động tăng lên, khi đó tình trạng rút BHXH một lần sẽ giảm.

Khuyến khích lao động đóng BHXH để hưởng lương hưu

Cũng theo ông Phạm Minh Huân, ngoài giải pháp trước mắt tạo việc làm, thu nhập ổn định, về lâu dài chính sách nhà nước phải hướng tới khuyến khích người lao động khi không làm việc có thể tiếp tục thuận tiện đóng BHXH tự nguyện, để đủ thời gian hưởng lương hưu.

Đồng thời, chính sách phải hướng tới tạo điều kiện cho lao động mất việc được nhận mức trợ cấp thất nghiệp cao hơn để có đủ điều kiện tìm việc làm mới.  

Ông Lê Đình Quảng đề xuất, chính sách BHXH phải hướng tới tiếp tục sửa đổi theo hướng tạo sự hấp dẫn, linh hoạt, tăng cường lợi ích của người lao động tham gia lâu dài. 

Theo đó, cùng với việc tuyên truyền cho người lao động hiểu rõ việc rút BHXH một lần “lợi trước mắt, thiệt lâu dài” thì chính sách cần phải hướng tới giảm thời gian đóng để được hưởng lương hưu. Chẳng hạn, có thể giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm hoặc thậm chí thấp hơn.

Đặc biệt, khi giảm thời gian đóng, mức lương hưu ít nhất phải đảm bảo mức sống tối thiểu. Do vậy khi sửa Luật BHXH, cần phải điều chỉnh theo hướng chia sẻ chế độ hưu trí, điều chỉnh theo hướng người hưởng lương thấp có tỷ lệ điều chỉnh cao hơn để lương hưu ít nhất phải đảm bảo mức sống tối thiểu.


Ban hành Quy trình giải quyết hưởng BHXH một lần áp dụng thí điểm xác thực qua chữ ký số được tích hợp trong ứng dụng trên thiết bị di động