Rút bảo hiểm xã hội một lần: Sẽ chỉ được rút 8% mà người lao động đóng?

Bộ Lao động Thương binh Xã hội sẽ tính đến phương án lao động rút bảo hiểm xã hội một lần chỉ được rút phần mình đóng, tức 8% lương. 14% do người sử dụng lao động đóng thì… để lại quỹ.


Ý kiến, được đại diện Bộ Lao động và thương binh xã hội đưa ra trong một phiên họp của Uỷ ban Xã hội- Quốc hội.

Theo quy định hiện hành, tổng mức đóng bảo hiểm là 22% mức tiền lương tháng. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, có nghĩa là tổng mức đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội hàng năm bằng 2,64 tháng lương.

Và nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì người lao động chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho một năm tham gia bảo hiểm xã hội. Như vậy, nếu rút BHXH một lần ở thời điểm hiện nay, người lao động mất đi 0,64 tháng lương mỗi năm.

Trong khi đó, số “mất” sẽ lớn hơn rất nhiều. Số được nhận cũng giảm đi rất nhiều.

Nói tóm lại, đề xuất của Bộ LĐTBXH là vì quyền lợi của cái quỹ hơn là của người lao động.

Không ai muốn rút BHXH một lần cả. Bởi các tính toán cho thấy nếu tích luỹ đủ thời gian đóng BHXH người lao động sẽ được lợi gấp 4-5 lần so với rút 1 lần.

Nhưng cuộc sống có lý của nó và “cái khó” chính là cái lý duy nhất để người lao động phải rút, dù biết chắc là “mất”. Nói như ông Mai Đức Chính, nguyên Phó Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam: Khi đã túng thiếu thì dù được 8% hay thấp hơn, người lao động cũng sẽ rút... Bởi đa phần người rút BHXH một lần có thu nhập thấp, lương không đủ sống, chẳng có tích lũy, khi khó khăn chỉ dựa được mỗi vào "cục tiền" bảo hiểm.

Và ông Chính nói: “Chính sách không nên nhè quyền lợi của người lao động để đánh vào".

Nhớ lại năm 2015, Quốc hội phải sửa luật khi Điều 60 Luật BHXH, dù chưa kịp có hiệu lực, đã gây ra làn sóng phản đối khắp nơi với quy định: người lao động không được nhận hỗ trợ một lần ngay sau khi nghỉ việc mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu.

Năm đó, trước Quốc hội, cũng đã có nhiều vị đại biểu thẳng thắn: “Làm luật không thể áp đặt mà phải tạo điều kiện cho người ta lựa chọn, không được tước đoạt quyền chọn lựa của người lao động".

Đề xuất của Bộ LĐTBXH lần này cũng thế. Không thể bỏ ngoài tai nguyện vọng của người lao động. Chúng ta không thể nhân danh quyền lợi người lao động để đề xuất một quy định mà chính họ phản đối, mà chính họ thấy đang như bị mất cắp.

Huống chi 14% mà người sử dụng lao động đóng, cũng là của người lao động chứ đâu phải trên trời rơi xuống mà đòi giữ lại.

Nguồn: laodong.vn

Chia sẻ bài này
Đăng nhập để viết bình luận
Áp thuế đến 35,2% đối với bàn gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc