Người lao động lợi gì khi đóng bảo hiểm xã hội 15 năm được hưởng lương hưu?

Điều chỉnh thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu nhận lương hưu giúp người lao động có quá trình tham gia muộn, không liên tục có cơ hội chờ hưởng chế độ hưu trí.

Giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu

Theo báo cáo một số ý kiến về việc tiếp thu, giải trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Thường trực Ủy ban Xã hội tán thành với đề xuất của Chính phủ liên quan đến giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, việc bảo đảm số năm tối thiểu tham gia bảo hiểm xã hội mới chỉ là điều kiện cần, chưa đủ để được hưởng chế độ hưu trí tối thiểu. Ngoài số năm đóng, người lao động còn phải đáp ứng điều kiện về tuổi nghỉ hưu.

Đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu xuống còn 15 năm (Ảnh: Hoa Lê).

Theo đơn vị này, quy định giảm số năm đóng bảo hiểm để hưởng chế độ hưu trí sẽ hấp dẫn người lao động hơn. Như vậy, tỷ lệ bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội sẽ tăng trong trung và dài hạn.

Điều này tạo điều kiện cho người lao động nhiều tuổi có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội, cải thiện tính công bằng.

Việc điều chỉnh giảm số năm tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu lần này là thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết số 28.

Giữ người lao động trong hệ thống

Giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội đối với nam từ 20 năm xuống 15 năm và mức hưởng tiền lương tối thiểu (mức sàn) đối với đối tượng này chỉ còn 33,75% so với mức lương đóng bảo hiểm xã hội.

Nếu đóng bảo hiểm xã hội 20 năm sẽ là 45% như hiện hành; đối với nữ là 15 năm và mức hưởng 45% như hiện hành. Điều này phù hợp Tờ trình và Hồ sơ dự án Luật khi giới hạn phạm vi sửa đổi lần này vẫn giữ nguyên công thức tính lương hưu.

Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, việc điều chỉnh giảm thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ hưu trí với mức tối thiểu là cần thiết để khuyến khích người lao động người có quá trình tham gia bảo hiểm xã hội không liên tục bảo lưu thời gian, chờ nhận lương hưu khi đến tuổi quy định, tạo cơ hội giữ người lao động ở lại trong hệ thống bảo hiểm xã hội.

Người dân nhận lương hưu hàng tháng (Ảnh: Xuân Cường).

Khi hưởng mức lương hưu tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu sẽ khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài và đầy đủ.

Tuy nhiên, khi về già, người lao động có mức lương hưu hàng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng và trong thời gian hưởng lương hưu sẽ góp phần bảo đảm tốt hơn cuộc sống khi về già của người lao động và nhiều người cao tuổi được hưởng lợi từ chính sách này.

Song, Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Chính phủ cần phải giải trình kỹ lưỡng, thuyết phục về khía cạnh chia sẻ của bảo hiểm xã hội, khía cạnh kinh tế của vấn đề hay việc thay đổi quan điểm về mức sàn an sinh xã hội tối thiểu khi sửa đổi luật lần này.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần thể hiện rõ quan điểm về lương hưu của một số nhóm lao động (bán chuyên trách xã, thôn) sẽ hưởng mức lương hưu thấp hơn chuẩn nghèo. Khi đó, có cần điều chỉnh để nhóm đối tượng trên được hưởng cao hơn không và dự báo về nguồn ngân sách sẽ chi trả.

Theo: Dantri.vn

Chia sẻ bài này
Đăng nhập để viết bình luận
Tối ưu quy trình & tăng hiệu hiệu suất trong quản lý nhân sự