Chat Zalo! Icon
Hóa đơn điện tử: Doanh nghiệp chờ... thông tư!
7 tháng 10, 2019 bởi
Phạm Vũ Minh Đức

Thời hạn ngày 31/10/2020 đang đến gần, khi đó toàn bộ doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT).

Những vướng mắc liên quan đến việc hạch toán kế toán, kê khai thuế để được tính vào chi phí được trừ, khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các công ty đang nhận được ngày một nhiều HĐĐT do người bán phát hành có ngày lập (ngày bàn giao quyền sở hữu hàng hóa hoặc ghi nhận dịch vụ hoàn thành không phân biệt thu tiền hay chưa thu tiền) và ngày ký trên hóa đơn (ngày thực hiện thao tác ký số điện tử vào hóa đơn điện tử) khác nhau. 


Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp “không mặn mà” với HĐĐT, làm chậm tiến trình thực hiện Nghị định 119/2018 của Chính phủ. Số liệu của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, cho thấy đến tháng 7/2019, mới có 255 doanh nghiệp xuất HĐĐT có mã của cơ quan thuế, trong đó Hà Nội là 107 doanh nghiệp, TP.HCM là 117 doanh nghiệp, Đà Nẵng là 31 doanh nghiệp. Con số doanh nghiệp đăng ký phát hành HĐĐT có mã của cơ quan thuế cũng không lớn. Đến nay, cả nước có 279 doanh nghiệp đăng ký, trong đó Hà Nội có 128 doanh nghiệp, TP.HCM có 118 doanh nghiệp và Đà Nẵng là 33 doanh nghiệp.

Tổng cục Thuế ước tính, chi phí in hóa đơn giấy khoảng 1.000 đồng/hóa đơn. Với hơn 4 tỷ hóa đơn giấy/năm, Việt Nam mỗi năm phải bỏ ra hơn 4.000 tỷ đồng để in hóa đơn. Vì thế, sử dụng HĐĐT là tiết kiệm từ 70-90% chi phí cho doanh nghiệp, không lo mất, hỏng hóa đơn, thống kê, báo cáo đơn giản và hóa đơn bị làm giả.

Đến nay Nghị định 119/2018 vẫn chưa có thông tư hướng dẫn, thời gian lập hóa đơn chưa rõ ràng, chưa có hướng dẫn cụ thể cho các loại hóa đơn đặc biệt... khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi sử dụng HĐĐT. Việc triển khai chưa đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp như thuế, kho bạc, bảo hiểm, quản lý thị trường... đang gây khó khăn cho doanh nghiệp như việc cơ quan thuế khuyến khích doanh nghiệp sử dụng HĐĐT, nhưng kho bạc và đơn vị bảo hiểm lại chưa chấp nhận loại hóa đơn này.

Thực tế, đã có cơ quan yêu cầu doanh nghiệp lại chuyển đổi sang hóa đơn giấy! Đây là cách làm dễ đối với cơ quan quản lý và một số doanh nghiệp, bởi vì nếu có sai sót, doanh nghiệp chỉ cần lập biên bản điều chỉnh và xuất hóa đơn điều chỉnh. Thế nhưng, với HĐĐT, khi điều chỉnh hai nội dung này, doanh nghiệp phải xuất hai hóa đơn điều chỉnh. Cho nên, với khách hàng khi nhận hóa đơn điều chỉnh, doanh nghiệp sẽ khó chấp nhận việc sai sót trên hóa đơn gốc, nhưng lại đi kèm 2-3 hóa đơn điều chỉnh.

Thực hiện HĐĐT đối với doanh nghiệp là giải pháp tháo gỡ khó khăn, giảm phiền hà. Thế nhưng, trong quá trình triển khai, mỗi doanh nghiệp lại có những khó khăn riêng. Vấn đề nổi cộm hiện nay là chữ ký số trên HĐĐT bắt buộc hay không bắt buộc thể hiện ngày ký. Đến nay, Tổng cục Thuế vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về việc này, trong khi các chi cục thuế địa phương lại yêu cầu bắt buộc phải thể hiện ngày ký, phát hành chữ ký số.

Trong khi đó, Nghị định 119/2018 của Chính phủ, có hiệu lực ngày 1/11/2018, đưa ra lộ trình chuyển đổi từ việc sử dụng hóa đơn tự in, hóa đơn giấy sang HĐĐT là 24 tháng. Theo đó, chậm nhất đến ngày 1/11/2020, các doanh nghiệp phải hoàn thành việc chuyển đổi sử dụng từ hóa đơn tự in, hóa đơn giấy sang HĐĐT. Tuy nhiên, sau gần một năm Nghị định 119/2018 được thi hành, doanh nghiệp vẫn không mặn mà với HĐĐT.

Trong khu vực, hầu hết các nước đã áp dụng dịch vụ điện tử như HĐĐT, ngân hàng, chứng khoán, khai thuế điện tử, hải quan điện tử và các dịch vụ hành chính công của các nước trong khu vực đều sử dụng giải pháp chữ ký số cho các giao dịch điện tử. Đây cũng là xu hướng tất yếu tại Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số. Do đó, để đảm bảo doanh nghiệp triển khai HĐĐT đúng tiến độ được nêu trong Nghị định 119/2018, các cơ quan quản lý nhà nước cần thống nhất tính pháp lý liên quan đến HĐĐT. Chẳng hạn, việc một hóa đơn ghi nhận hai mục: Ngày lập hóa đơn và ngày ký phát hành. Doanh nghiệp mong muốn cơ quan thuế sử dụng ngày lập hóa đơn khi hạch toán.

Theo: Doanhnhansaigon

trong Tin tức