Chat Zalo! Icon
Hóa đơn điện tử có ngày lập và ngày ký khác nhau có hợp lệ?
13 tháng 12, 2019 bởi
Nguyễn Hoài Nguyên Hậu

Ông Nguyễn Thanh Bình (Đồng Nai) hỏi, trường hợp hóa đơn điện tử không có ngày ký điện tử có được xem là hợp lệ hay không?
Công ty ông và đối tác đang gặp khó khăn do đơn vị thuế mỗi nơi hướng dẫn khác nhau.

Về vấn đề này, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai có ý kiến như sau:

Căn cứ Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ như sau:

Tại Khoản 7, Điều 3 giải thích từ ngữ như sau:

“7. Việc sử dụng chứng thư số, chữ ký số, chữ ký điện tử thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.”.

Tại Khoản 1, Điều 4 quy định nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử:

“1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán (trừ hộ, cá nhân kinh doanh quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định này) phải lập hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Nghị định này, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.


Trường hợp khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán có sử dụng máy tính tiền thì đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.”

Tại Khoản 3, Điều 35 quy định hiệu lực thi hành:

“3. Trong thời gian từ ngày 01 tháng 11 năm 2018 đến ngày 31 tháng 10 năm 2020, các Nghị định: số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ vẫn còn hiệu lực thi hành.”.

Căn cứ Khoản 2, Điều 8 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính quy định về lập hóa đơn điện tử như sau:

“2. Gửi hóa đơn điện tử là việc truyền dữ liệu của hóa đơn từ người bán hàng hóa, dịch vụ đến người mua hàng hóa, dịch vụ.

Các hình thức gửi hóa đơn điện tử:

- Gửi trực tiếp: Người bán hàng hóa, dịch vụ (tổ chức khởi tạo hóa đơn điện tử) thực hiện lập hóa đơn điện tử tại hệ thống phần mềm lập hóa đơn điện tử của người bán, ký điện tử trên hóa đơn và truyền trực tiếp đến hệ thống của người mua theo cách thức truyền nhận hóa đơn điện tử đã thỏa thuận giữa hai bên…”.

Căn cứ Nghị định số 130/2018/NĐ-CP  ngày 27/9/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.

Căn cứ Khoản 1, Điều 8 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 18/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn:

“Điều 8. Thời điểm xác định thuế GTGT

1. Đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.”.

Căn cứ các hướng dẫn nêu trên và nội dung văn bản hỏi của ông, trường hợp người bán hàng hóa, dịch vụ lập hóa đơn điện tử và đã truyền/gửi đến hệ thống của người mua theo đúng quy định tại Khoản 2, Điều 8 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính đã trích dẫn nêu trên thì hóa đơn điện tử đã lập đã có chữ ký số, chữ ký điện tử có gắn dấu thời gian ngày tháng năm theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử (về nguyên tắc ngày tháng năm lập hóa đơn điện tử và ngày tháng năm ký chữ ký số, chữ ký điện tử gắn dấu thời gian là phải cùng một ngày) hóa đơn điện tử đã lập nêu trên được xác định là hợp lệ.

Cục Thuế tỉnh Đồng Nai thông báo để ông biết và thực hiện đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật.

trong Tin tức