Chat Zalo! Icon
Hành vi như thế nào được coi là giả mạo xuất xứ Việt Nam?
Chế tài xử phạt đối với hành vi giả mạo xuất xứ đã có, nhưng lại chưa có quy định cụ thể như thế nào được coi là giả mạo xuất xứ Việt Nam và như thế nào là khai sai xuất xứ Việt Nam, gây khó khăn trong việc áp dụng chế tài xử phạt thống nhất.
29 tháng 12, 2020 bởi
Phan Khoa Thành
Chế tài xử phạt đối với hành vi giả mạo xuất xứ đã có, nhưng lại chưa có quy định cụ thể như thế nào được coi là giả mạo xuất xứ Việt Nam và như thế nào là khai sai xuất xứ Việt Nam, gây khó khăn trong việc áp dụng chế tài xử phạt thống nhất.




Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Biên Hoa. Ảnh: N.H
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Biên Hòa. Ảnh: N.H


Qua quá trình nghiên cứu, triển khai và thực hiện Nghị định 128/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan (có hiệu lực từ 10/12/2020), Cục Hải quan Đồng Nai cho biết đã phát sinh một số vướng mắc.

Theo đó, Điều 17 Nghị định 128 quy định về xử phạt đối với hành vi xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh tạm nhập tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, Nghị định 128 không giải thích và hướng dẫn cụ thể về giả mạo xuất xứ Việt Nam khiến cơ quan Hải quan gặp khó khăn trong việc áp dụng chế tài xử phạt một cách thống nhất.

Cục Hải quan Đồng Nai cũng nêu vướng mắc về xử phạt trong trường hợp khai sai có phát sinh chênh lệch thuế và không chênh lệch thuế. Cụ thể, đối với hàng nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế nếu có hành vi khai sai nhưng không làm ảnh hưởng đến số thuế phải nộp thì bị xử phạt theo Điểm B Khoản 1 Điều 8 Nghị định 128. Trong khi trường hợp khai sai có phát sinh chênh lệch thuế dưới 500.000 đồng đối với cá nhân và 2 triệu đồng/tờ khai đối với tổ chức thì không bị xử phạt.

Theo Cục Hải quan Đồng Nai, việc quy định như vậy là chưa phù hợp và không công bằng. Quy định này cũng chưa phù hợp với nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính: “Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng”.

Bên cạnh đó, Điểm Đ Khoản 1 Điều 14 Nghị định 128 quy định các hành vi trốn thuế gồm: khai sai so với thực tế hàng hóa xuất khẩu về số lượng, chủng loại, sản phẩm gia công; sản phẩm sản xuất xuất khẩu; sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài cyae doanh nghiệp chế xuất; hàng tái xuất”. Tuy nhiên, Điều 14 Nghị định 128 không quy định cụ thể mức chênh lệch thuế là bao nhiêu để xử phạt về hành vi trốn thuế.

Theo Cục Hải quan Đồng Nai, cần có hướng dẫn việc xác định hành vi khai sai ở mức độ nào, số tiền thuế chênh lệch là bao nhiêu thì bị xử phạt về hành vi gian lận thuế. Trường hợp khai sai dẫn đến chênh lệch thuế nhỏ, kể cả dưới 2 triệu đồng (do Điều 14 không loại trừ hành vi không phạt nếu chênh lệch dưới 1 triệu đồng) mà bị xử phạt về trốn thuế là rất nặng cho doanh nghiệp.


trong Tin tức