Chat Zalo! Icon
Đề xuất chỉ được rút 8% BHXH một lần

Trong Dự thảo đề cương sửa Luật BHXH lần này, cơ quan soạn thảo đưa ra phương án người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu mà yêu cầu hưởng BHXH một lần thì chỉ được rút phần mình đóng vào Quỹ BHXH là 8% thay vì nhận 22% như quy định hiện nay. Còn phần của người sử dụng lao động đóng chiếm 14% sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc chia sẻ. Phương án này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Theo quy định hiện hành, người lao động đang đóng 8% vào quỹ hưu trí và tử tuất từ phần lương hàng tháng, người sử dụng lao động đóng 14% vào quỹ này, như vậy tổng mức đóng là 22%. Lý giải cho đề xuất chỉ cho người lao động rút 8% BHXH một lần, một lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết đây là thông lệ quốc tế vì bảo hiểm các nước không cho phép rút BHXH một lần nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân khi hết tuổi lao động. Bên cạnh đó, phần chủ sử dụng lao động đóng vào quỹ được kết cấu vào giá thành sản phẩm và dịch vụ. Do vậy, khi được xã hội tiêu thụ sản phẩm dịch vụ đó nghĩa là xã hội đóng phần này và chủ sử dụng lao động chỉ là người đóng thay. Như vậy, phần chủ sử dụng đóng thay sẽ tạm giữ lại đến khi người lao động hết tuổi lao động thì sẽ được hưởng.

Theo số đông bạn đọc, chính sách BHXH là đảm bảo an sinh xã hội, vậy nên mọi quyết sách phải hợp lý và tránh gây "sốc" cho người lao động

Gởi ý kiến đến Báo Người Lao Động, nhiều bạn đọc bày tỏ sự bất bình. Bạn đọc Nguyễn Nam nói: "Mọi khó khăn cứ dồn về người lao động. Rõ ràng bảo hiểm xã hội đang không làm tốt vai trò của mình và người lao động cảm thấy thiệt thòi nên không muốn tham gia, hoặc là rút 1 lần. Thay vì điều chỉnh chính sách cho hợp lý để người lao động thấy có lợi, thì những lần điều chỉnh chính sách của BHXH đều làm người lao động thiệt hơn. Nói "thông lệ quốc tế" mà không nói của nước nào, vùng nào, và có phải là chính sách của nước đó trên toàn thế giới là có lợi cho an sinh xã hội nhất, hay có lợi cho bảo hiểm nhất!".

Tương tự, bạn đọc Đoàn Quốc Quân, phân tích: "Giá cả là chi phí lao động xã hội trung bình của tất cả các doanh nghiệp cùng sản xuất ra một loại hàng hóa nào đó. Mọi doanh nghiệp đều bán hàng theo cái mặt bằng giá chung đó, bất kể giá thành là bao nhiêu. Như thế dù doanh nghiệp có đóng BHXH hay không thì việc đó có ảnh hưởng tới giá thành, nhưng không ảnh hưởng tới giá cả là cái giá mà người tiêu dùng phải trả cho món hàng đó. Việc đóng BHXH, hay tăng lương cho người lao động v.v... không ảnh hưởng tới giá cả nói chung, mà chỉ ảnh hưởng tới lợi nhuận của chủ doanh nghiệp. Như Marx nhiều lần chỉ ra, những khoản trả cho người lao động như tiền công, BHXH v.v... thực chất chỉ là phần chia cho người lao động từ khoản giá trị mới do lao động của người lao động tạo ra; phần còn lại chính là giá trị thặng dư cho chủ doanh nghiệp. BHXH chính là một thành quả của cuộc đấu tranh giai cấp giữa giai cấp công nhân và tư bản. Như vậy phần mà doanh nghiệp đóng BHXH chính là tiền của doanh nghiệp giảm bớt lợi nhuận, chứ chẳng phải tiền của người tiêu dùng hay xã hội nào đóng vào đây. Việc giữ lại khoản đó là hoàn toàn vô lý.

Bạn đọc Nguyễn Thị Tâm ấm ức: "Cái gì cũng bảo "thông lệ quốc tế". Vậy hỏi BHXH Việt Nam lương người lao động VN có đảm bảo thực hiện theo thông lệ quốc tế không? Hay lương của người lao động VN thấp thua xa với quốc tế. Người lao động đóng góp công sức cho người sử dụng lao động, họ có trách nhiệm đóng 14% BHXH do công sức của người lao động làm ra lợi nhuận cho họ, đó là thành quả của mỗi người lao động cụ thể, giờ BHXH VN bảo phải "chia sẻ". Vậy chia sẻ cho ai? Vì sao phải chia sẻ quyền lợi của chính mình cho một đối tượng "trừu tượng" nào đó, trong khi mình nghèo túng mới phải rút tiền một lần". Một bạn đọc tên Hải bức xúc: "Người lao động đã khổ rồi sao lại dòm ngó đến những đồng tiền cuối cùng của họ".

Theo nhiều bạn đọc, phần của người sử dụng lao động đóng hay của người lao động đóng thì cũng đều là của người lao động

Một bạn đọc giấu tên viết: "Cái chính là chế độ lương hưu chưa phù hợp nên người ta muốn rút thôi. Người ta tham gia là vì bắt buộc nên sau khi nghỉ việc là muốn rút". Bạn đọc Đoàn Hòa góp ý: "Các nước không ai rút BHXH để hưởng 1 lần là do người lao động được tính đủ cộng cả tiền lãi khi đóng bảo hiểm hàng tháng nên số tiền hưu của họ như tại Úc tương đương với lương khi còn làm việc. Ở ta thì cho hưởng từ 45-75% mức đóng không đủ nuôi sống bản thân nên đa số muốn nhận 1 lần có số vốn làm ăn khi nghỉ việc".

Một bạn đọc khác giấu tên cho rằng phần của người sử dụng lao động đóng hay của người lao động đóng thì cũng đều là của người lao động. Tại sao tại vì có người lao động thì người sử dụng lao động mới đóng. Chia sẻ cái gì khi người lao động nghỉ việc lĩnh 1 lần thì còn ai chia ai sẻ. Bạn đọc Lê Mạc Linh bộc lộ sự ngán ngẫm: "Bó tay với BHXH. Rút 1 lần BHXH đã thiệt thòi cho người lao động rất nhiều rồi. Giờ còn ra ý tưởng giữ tiền của người lao động với nhiều lý do không phù hợp". Một bạn đọc tên Xuân góp ý: "Không ngăn được rút 1 lần, nay cố ép người lao động chỉ được rút ít lại thật không công bằng".

Tuổi nghỉ hưu quá cao

Theo số đông bạn đọc, chính sách BHXH là đảm bảo an sinh xã hội, vậy nên mọi quyết sách phải hợp lý và tránh gây "sốc" cho người lao động. Do vậy, Bộ LĐ-TB-XH nghiên cứu thêm phương án liên kết với ngân hàng nhà nước có thể cho người lao động bị thất nghiệp dùng sổ bảo hiểm để vay 1 khoản tiền tương ứng với giá trị của sổ để họ có thể trang trải những khó khăn trước mắt , sau khi cuộc sống ổn định lại thì họ có thể trả lại ngân hàng và lấy lại sổ như vậy sẽ giảm bớt tình trạng rút bảo hiểm 1 lần. Theo bạn đọc Phạm Duy Biên, nếu chính sách bảo hiểm xã hội mà phù hợp, ưu việt thì người lao động sẽ không rút một lần. Đâu là nguyên nhân gốc rễ của vấn đề ? Cơ quan soạn thảo phải chỉ ra và khắc phục nó. Còn cứ đưa ra các biện pháp chưa phù hợp sẽ không giải quyết được vấn đề. Tôi nghĩ vấn đề ở đây là tuổi hưu cao, đặc biệt là nam

Theo báo: Nguoilaodong

Chính sách bảo hiểm xã hội năm 2023 có gì mới?