Chat Zalo! Icon
Dùng AI kiểm soát gian lận hóa đơn điện tử
24 tháng 7, 2023 bởi

Tổng cục Thuế cho biết Trung tâm cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử (HĐĐT) sẽ rà soát và tự động nhận diện tất cả các HĐĐT mà doanh nghiệp (DN) phát ra để tìm kiếm các dấu hiệu bất thường.

Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành khẳng định với việc thành lập Trung tâm cơ sở dữ liệu HĐĐT giúp cơ quan thuế đẩy mạnh áp dụng phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý thuế, quản lý hóa đơn góp phần kiểm soát, phát hiện nhanh việc gian lận về hóa đơn

Rầm rộ rao bán hóa đơn

Chỉ cần lướt mạng xã hội hay vào các group kế toán dễ dàng bắt gặp các mẩu rao bán HĐĐT công khai: hóa đơn đỏ, thuế giá trị gia tăng (VAT) toàn quốc, bao quyết toán thuế 5 năm, xuất tất cả ngành nghề, hợp đồng chứng từ đầy đủ, có ngay trong ngày... Có nơi còn quảng cáo có báo cáo thuế đầy đủ, có link tra cứu, quét được mã QR, bảo hành hợp đồng vĩnh viễn...

“Việc phát hành hóa đơn, báo cáo thuế ngày càng dễ dàng cho DN khi số hóa, nhưng tất cả sẽ để lại dấu vết trên hệ thống dữ liệu lớn quản lý thuế (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) của ngành Thuế sẽ kiểm soát, phát hiện cũng như công tác hậu kiểm sẽ bịt được các lỗ hổng gian lận HĐĐT.”

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nạn mua bán hóa đơn không phải là mới nhưng gần đây có chiều hướng gia tăng. Cơ quan Công an cũng liên tục triệt phá các đường dây mua bán hóa đơn quy mô lớn, điển hình như vụ 524 DN do Công an tỉnh Phú Thọ triệt phá mới đây.

Cơ quan thuế cho biết nhiều đối tượng đang lợi dụng quy định thông thoáng về thành lập DN cũng như kê khai thuế và phát hành sử dụng HĐĐT để thành lập hàng loạt DN nhằm mục đích mua bán hóa đơn và thực hiện các hành vi trốn thuế.

Theo lãnh đạo Chi cục Thuế quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh), hiện quận này quản lý 22.000 DN, 16.000 hộ, cá nhân kinh doanh. Chỉ trong thời gian từ 1/7/2022 đến 30/6/2023 đã có hơn 17,8 triệu HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế đã được xuất cho bên mua.

Số lượng DN rất lớn và đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực cũng như hình thức kinh doanh. Cho nên, thực tế đã xuất hiện tình trạng sử dụng HĐĐT bất hợp pháp.

Một số cá nhân khai thác kẽ hở của việc cấp đăng ký kinh doanh, theo đó chỉ cần sử dụng giấy tờ tùy thân của bất cứ cá nhân nào đều có thể đăng ký đại diện DN mà không cần chứng minh nhân thân, địa chỉ trụ sở hay cơ sở kinh doanh. Vốn thì ảo, như 524 DN do Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện thì DN nào cũng khai 30 tỉ.

Các đối tượng này cũng lợi dụng quy định thông thoáng về kê khai thuế, phát hành sử dụng HĐĐT nhằm mục đích mua bán hóa đơn và thực hiện các hành vi trốn thuế.

Cục Thuế tỉnh Bình Định đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ và triển khai quyết liệt công tác hậu kiểm với quyết tâm bịt được các lỗ hổng gian lận HĐĐT

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ kiểm soát hóa đơn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đẩu, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định, cho biết, HĐĐT giúp DN tiết giảm chi phí in ấn, lưu trữ so với hóa đơn giấy trước đây. Tuy nhiên, hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp tồn tại lâu nay lại diễn ra tinh vi và phức tạp hơn.

Để phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời mua bán hóa đơn, phải ứng dụng công nghệ AI vào các nghiệp vụ thuế cụ thể. Qua đó, hệ thống cảnh báo, phát hiện tự động trường hợp có nguy cơ gian lận HĐĐT.

Tại Bình Định, Trung tâm quản lý HĐĐT của Cục Thuế tỉnh Bình Định có nhiệm vụ rà soát thường xuyên HĐĐT liên quan đến DN trên địa bàn. Hệ thống sẽ cảnh báo tự động cho trung tâm những trường hợp có tần suất xuất hóa đơn quá nhiều, trị giá xuất quá lớn vượt quá hai lần vốn chủ sở hữu của DN...

Sau đó, bộ phận này sẽ chuyển thông tin về cho các chi cục thuế quản lý để giám sát, theo dõi. Nhờ đó, thời gian qua, Cục Thuế tỉnh Bình Định đã phát hiện và loại bỏ 62 DN mới thành lập ra để kinh doanh hóa đơn.

“Nếu phát hiện DN xuất hóa đơn vượt quá vốn chủ sở hữu hai lần, hoặc tần suất xuất hóa đơn quá nhiều, bất thường, hay phát hiện xuất hóa đơn nhảy cóc (để giấu doanh thu) đến xác định âm hàng tồn kho (tức xuất khống hóa đơn), đến bài toán khó nhất là truy vết hóa đơn xuất lòng vòng thì hệ thống sẽ cảnh báo tự động cho cơ quan thuế”- ông Nguyễn Đẩu thông tin.

Góp ý ngành Thuế, ông Nguyễn Ngọc Tú - chuyên gia thuế thì cho rằng, các DN xuất HĐĐT đều có mã của cơ quan thuế, hệ thống ngành Thuế ghi nhận thông tin giao dịch. Vì vậy, việc cơ quan thuế sử dụng ứng dụng công nghệ cao để lọc tự động và cảnh báo những trường hợp có dấu hiệu bất thường là hết sức cần thiết.

“Ứng dụng công nghệ mới có thể giúp hệ thống cảnh báo tự động các trường hợp gian lận, để cơ quan thuế ngăn chặn kịp thời chứ không thể để DN sai phạm rồi, sau đó hậu kiểm mới phát hiện ra. Lúc đó DN đã bỏ trốn, ngân sách đã mất thuế rồi”- ông Nguyễn Ngọc Tú nhấn mạnh.

Trong thời gian gần đây, Tổng cục Thuế liên tục cảnh báo để người dân và DN cảnh giác và phối hợp tuân thủ pháp luật thuế và phòng tránh rủi ro trước những thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng xấu có hành vi rao bán hóa đơn giả mạo

Ngành Thuế đầu tư lớn cho công nghệ phân tích dữ liệu hóa đơn

Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện Tổng cục Thuế cho biết thời gian qua về cơ bản các DN đã tuân thủ tốt pháp luật về thuế. Tuy nhiên vẫn còn một số DN luôn tìm cách gian lận về thuế, mua bán hóa đơn không hợp pháp nhằm trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ ngân sách nhà nước.

Để ngăn chặn tình trạng gian lận thuế và mua bán hóa đơn bất hợp pháp, Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh áp dụng phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và AI trong quản lý thuế, quản lý hóa đơn góp phần kiểm soát, phát hiện nhanh trường hợp gian lận về hóa đơn.

Cuối tháng 4/2023, Tổng cục Thuế đã chính thức vận hành, triển khai Trung tâm cơ sở dữ liệu và quản lý HĐĐT. Trung tâm này sẽ gồm các chức năng đối chiếu tự động giữa tờ khai thuế và HĐĐT sau ngày thứ năm kể từ ngày đến hạn nộp tờ khai. Kết quả của việc đối chiếu giữa tờ khai và hóa đơn là danh sách người nộp thuế có số liệu chênh lệch giữa giá trị kê khai và giá trị thực tế trên hóa đơn đã lập. 

Trên cơ sở danh sách đó, cơ quan thuế quản lý có các biện pháp nghiệp vụ phù hợp như kiểm tra tại bàn, thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, trong trường hợp cần thiết có thể chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.

Đồng thời, Tổng cục Thuế chính thức vận hành "Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý HĐĐT". Qua đó, cơ quan thuế các cấp sẽ tập trung rà soát, phân tích để kịp thời phát hiện các dấu hiệu rủi ro trong việc phát hành HĐĐT, giúp ngăn ngừa, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hóa đơn chứng từ nói riêng và về thuế nói chung.

Tổng cục Thuế cho biết sau một năm triển khai HĐĐT trên toàn quốc, tính đến ngày 30/6/2023, cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý hơn 4,37 tỉ HĐĐT. Trong đó, 1,3 tỉ hóa đơn có mã, còn lại là hơn 3 tỉ hóa đơn không mã.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết cơ quan này vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới để phân tích dữ liệu HĐĐT như công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên đối với dữ liệu HĐĐT; công nghệ tìm chuỗi mua bán hàng hóa, dịch vụ của DN đối với một số ngành hàng, chuỗi mua bán hàng hóa của DN xuất khẩu có đề nghị hoàn thuế GTGT... từ đó nhận diện các đặc trưng của chuỗi nghi ngờ gian lận.

Với việc áp dụng phân tích nâng cao trong công tác quản lý hóa đơn là cấp thiết, bởi khi công nghệ AI được áp dụng vào việc phân tích ngôn ngữ tự nhiên, xác định các hóa đơn mua bán cùng loại hàng hóa, từ đó xác định hóa đơn có giá mua bán bất thường.

Đồng thời, việc chính thức đưa vào vận hành, triển khai “Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý HĐĐT” cơ quan thuế các cấp sẽ tập trung thực hiện rà soát, phân tích để kịp thời phát hiện các dấu hiệu rủi ro trong việc phát hành HĐĐT, giúp ngăn ngừa, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hóa đơn chứng từ nói riêng và về thuế nói chung góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh bình đẳng cho cộng đồng DN và người nộp thuế.

Bên cạnh đó, ngành Thuế tiếp tục thực hiện tuyên truyền cảnh báo đến các DN nhằm ngăn chặn, phòng ngừa việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp từ sớm, từ xa; chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ và tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác quản lý HĐĐT.


Theo: Tổng Cục Thuế