Chat Zalo! Icon
Chính sách bảo hiểm xã hội sẽ có thay đổi lớn
21 tháng 8, 2023 bởi

Giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, bổ sung biện pháp mạnh xử lý trốn đóng bảo hiểm xã hội, giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí... là một số trong nhiều chính sách dự kiến có thay đổi lớn từ giữa năm 2025.


Giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu xuống 15 năm

Trong Phiên họp thứ 25 diễn ra trọn tuần qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Trưởng ban Soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, lần này có 11 nội dung lớn được sửa đổi, bổ sung.

Đó là bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng. Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên (quy định hiện hành là 80 tuổi) mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo. Thay đổi này nhằm phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030, khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Lần sửa đổi này cũng bổ sung 5 nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó có chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh), người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương…

Chính sách lớn khác là giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Quy định này được Chính phủ giải thích là nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia), hoặc tham gia không liên tục, hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế.

Những đề xuất mới trên, về cơ bản, nhận được sự đồng tình của Thường trực cơ quan thẩm tra (Ủy ban Xã hội của Quốc hội) và nhiều ý kiến tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, một trong những nguyên nhân nhiều người rút bảo hiểm một lần là vì thời gian đóng để hưởng bảo hiểm xã hội 20 năm là quá dài.

“Người đi làm, nhất là trong lúc khó khăn, thời kỳ đại dịch như vậy, thì giữa 20 năm sau với trước mắt, đôi khi người lao động bắt buộc phải chọn cái trước mắt, vì thấy 20 năm dài quá”, ông Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã nói rõ, thay cho việc như trước đây là 20 năm sau đóng mới được hưởng, thì bây giờ là 10 năm, nhưng có lộ trình trung gian là 15 năm.

“Giảm thời gian đóng xuống 10 năm, e rằng, mức lương hưu thấp quá, chúng tôi cũng đang cân nhắc việc này, đương nhiên theo thông lệ là đóng ít thì hưởng ít. Xin đề nghị Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí cho phép, trước mắt, trong nhiệm kỳ này, đưa xuống 15 năm cho phù hợp”, Trưởng ban Soạn thảo Đào Ngọc Dung hồi âm.

Điểm mới nữa là, Dự thảo luật cũng tính thêm phương án để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần được cho là rất nhức nhối hiện nay. Dù chưa có phương án nào được cho là tối ưu, nhưng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cũng đã có phương án “tạm thời chấp nhận được”. Đó là, đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến ngày 1/7/2025), thì không được nhận bảo hiểm xã hội một lần (trừ các trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu, mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành).

Cho biết, tại cơ quan thẩm tra còn tới 5 loại ý kiến và quan điểm của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn khác nhau, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Chính phủ khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền để cho ý kiến chỉ đạo trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Lo “lấy đá ghè chân mình”

Nêu rõ cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, song kiến nghị đầu tiên của Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công lại về một nội dung giữ nguyên không sửa, đó là tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội.

Ông Công so sánh, tỷ lệ này hiện nay là 17% đối với doanh nghiệp, cộng cả phần đóng của người lao động là 25%, cộng thêm các khoản bảo hiểm y tế và các khoản khác thì lên đến 32%. Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực có tỷ lệ thấp hơn rất nhiều, như Indonesia chỉ 10%, Philippines 8%, Thái Lan 5%.

Nhiều người lao động còn băn khoăn

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định theo hướng là giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm được người lao động rất đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, với những người lao động có tuổi đời từ 45 tuổi trở lên tham gia bảo hiểm xã hội, để được hưởng chế độ hưu trí, do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp theo nguyên tắc đóng - hưởng, thì đối với những người lao động đóng khoảng 15 năm, mức lương hưu được hưởng khoảng 33,75%. Đây là điều mà nhiều người lao động còn đang băn khoăn, đề nghị cần phải xem xét ở khía cạnh chia sẻ để có những hỗ trợ đối với đối tượng khi về nghỉ hưu có thu nhập thấp mà không đảm bảo được cuộc sống tối thiểu.

- Ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

“Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội của Việt Nam rất cao, khiến cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp khó hơn, các đơn hàng sẽ ít đi và như vậy, việc làm, thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng”, Chủ tịch VCCI phân tích.

Ông Công cho biết, để nuôi dưỡng nguồn thu và phát triển bảo hiểm xã hội, các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị giảm mức đóng của cả của doanh nghiệp và người lao động xuống còn khoảng 20%.

Kiến nghị tiếp theo được Chủ tịch VCCI nêu ra liên quan đến việc Dự thảo đã loại bỏ hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội ở luật hiện hành, mà chỉ còn hành vi trốn đóng với những chế tài rất nghiêm khắc.

Cụ thể, lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất một số biện pháp mạnh để xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, bao gồm cả quyết định ngừng    sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên. Hay, quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên.

Chủ tịch VCCI cho hay, nhiều doanh nghiệp không đồng tình với chế tài ngừng sử dụng hóa đơn và hoãn xuất cảnh.

“Chế tài này sẽ cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp mong muốn là, nếu như có những vi phạm về mặt tài chính, thì xử lý bằng những biện pháp kinh tế và tài chính là chính, chứ không nên xử lý theo những hình thức như thế này”, ông Phạm Tấn Công phát biểu.

Chủ tịch VCCI lấy ví dụ, một doanh nghiệp bị hỏa hoạn, họ chậm nộp bảo hiểm thành trốn đóng bảo hiểm xã hội và bị dừng hóa đơn, không hoạt động kinh doanh được nữa. Như vậy, coi như doanh nghiệp không có cơ hội phục hồi.

“Quy định như thế là tự lấy đá mình đập vào chân mình, tức là mong muốn mọi người nghiêm túc đóng bảo hiểm xã hội hơn, nhưng chính nguồn thu bảo hiểm xã hội lại bị hẹp lại, không còn khả năng cho doanh nghiệp khắc phục nữa”, Chủ tịch VCCI phân tích.

Chủ tịch VCCI đề nghị chuyển những chế tài trên thành những chế tài về tài chính và có thể quy định các mức phạt tăng dần theo thời gian chậm nộp, đồng thời cần phải khôi phục lại khái niệm về chậm nộp bảo hiểm xã hội.

Tiếp thu ý kiến từ phiên thảo luận, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ “cố gắng phân ra 2 loại chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội”.

Trưởng ban Soạn thảo cũng cho hay sẽ nghiên cứu thêm Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán. Nghị quyết này đã nói tương đối rõ thế nào là chậm đóng, thế nào là trốn đóng, song cũng chưa thực sự đầy đủ, nếu đưa vào luật thì phải cụ thể hóa hơn, chi tiết hơn.

“Trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2023), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo lại lần nữa về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi”, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận.