Chat Zalo! Icon
Cách xác định tiền lương đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên
24 tháng 10, 2022 bởi

Hằng tháng, doanh nghiệp và người lao động sẽ phải trích một phần quỹ lương để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.


Căn cứ Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, Nghị định số 58/2020/NĐ-CP, hằng tháng, doanh nghiệp và người lao động sẽ phải trích một phần quỹ lương để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tỷ lệ như sau:

Doanh nghiệp: Đóng tổng cộng 21,5% hoặc 21,3% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

Người lao động: Đóng tổng cộng 10,5% tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Trong đó, mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được hướng dẫn tại khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH như sau:

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đến ngày 31 tháng 12 năm 2020, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương theo quy định tại Khoản 1 Điều này và các khoản bổ sung khác theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác quy định tại điểm a, tiết b1 điểm b và tiết c1 điểm c Khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nội dung của hợp đồng lao động, Hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con.

Theo quy định này, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội sẽ bao gồm các khoản sau: Mức lương; Phụ cấp lương; Các khoản bổ sung khác xác định được số tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Các khoản tiền này phải được thỏa thuận rõ và ghi nhận trong hợp đồng lao động để làm căn cứ trả lương và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Tuy nhiên, trong đó có một số khoản sẽ không bị tính đóng bảo hiểm xã hội bao gồm: Thưởng căn cứ kết quả kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động; Tiền thưởng sáng kiến; Tiền ăn giữa ca; Các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; Các khoản hỗ trợ khi có thân nhân bị chết, có người thân kết hôn, sinh nhật, trợ cấp cho người gặp hoàn cảnh khó khăn,…

Qua phản ánh của một số địa phương đến Bảo hiểm xã hội Việt Nam, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chỉ xây dựng thang lương, bảng lương bằng mức thấp nhất để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hoặc một số doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận chỉ lấy tiền lương ghi trong hợp đồng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Bà Lý Hoàng Minh - Phó Trưởng Phòng Hưu trí, Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay, tình trạng này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Do chủ sử dụng lao động cố tình lách Luật để giảm bớt phần trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Bên cạnh đó, việc giảm mức đóng bảo hiểm xã hội để tăng phần chi trả thu nhập cho người lao động. Từ đó, giúp doanh nghiệp làm tăng cạnh tranh trên thị trường lao động; hoặc bản thân người lao động chưa hiểu biết chính sách pháp luật đầy đủ, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt thiếu quan tâm đến lợi ích lâu dài, chưa có ý thức tiết kiệm, tích lũy thông qua khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội ngay khi còn trẻ…