Chat Zalo! Icon
Các thành phố lớn thực hiện chuyển đổi hoá đơn điện tử ngay trong năm 2019
29 tháng 10, 2019 bởi
Nguyễn Thái Ngọc

 Sau khi lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã chính thức ban hành Thông tư 68/2019/TT-BTC, có hiệu lực từ 14/11/2019, hướng dẫn chi tiết Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hoá đơn điện tử (HĐĐT) với nhiều điểm mới người nộp thuế cần biết để triển khai thực hiện.

Thông tư số 68/2019/TT-BTC nêu rõ, từ ngày 1/11/2020, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng kí áp dụng HĐĐT. Như vậy, 100% doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ, cá nhân kinh doanh vẫn bắt buộc triển khai HĐĐT theo lộ trình đã được quy định tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP hạn cuối 1/11/2020.

Đồng thời, một số tỉnh, thành sẽ phải gấp rút thực hiện chuyển đổi sang HĐĐT theo Nghị quyết 01/NQ-CP là hoàn thành triển khai HĐĐT tại Hà Nội, TPHCM và các thành phố lớn trong năm 2019.

Cũng theo hướng dẫn của Thông tư 68, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực điện lực; xăng dầu; bưu chính viễn thông; vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy; nước sạch; tài chính tín dụng; bảo hiểm; y tế; kinh doanh thương mại điện tử; kinh doanh siêu thị… sẽ áp dụng HĐĐT không có mã của cơ quan Thuế.

Các trường hợp có rủi ro về thuế sẽ bắt buộc sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan Thuế. Cụ thể, doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu dưới 15 tỷ đồng và có một trong các dấu hiệu như: Không có quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp các cơ sở vật chất (nhà máy; xưởng sản xuất; kho hàng; phương tiện vận tải; cửa hàng và các cơ sở vật chất khác); doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khai thác đất, đá, cát, sỏi; doanh nghiệp có giao dịch qua ngân hàng đáng ngờ theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền…

Thông tư 68 cũng nêu rõ, Tổng cục Thuế có trách nhiệm xây dựng tiêu chí rủi ro, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền. Xây dựng quy trình nghiệp vụ và hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin áp dụng thống nhất trong toàn quốc nhằm đánh giá, xác định các trường hợp có dấu hiệu rủi ro trong việc phát hành và sử dụng hóa đơn. Cơ quan Thuế quản lý trực tiếp (cục thuế, chi cục thuế) có trách nhiệm thông báo cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thuộc loại rủi ro cao về thuế.

Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có sử dụng HĐĐT thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế thực hiện áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan Thuế trong 12 tháng hoạt động liên tục. Sau thời gian 12 tháng, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thuộc trường hợp rủi ro nếu được cơ quan thuế qua rà soát, xác định không rủi ro, đáp ứng được điều kiện sử dụng HĐĐT không mã và có đề nghị sử dụng HĐĐT không có mã thì thực hiện đăng ký sử dụng HĐĐT không có mã của cơ quan Thuế theo quy định của Nghị định số 119/2018/NĐ-CP.

Ông Hoàng Văn Thuấn, Tổng giám đốc EFY Việt Nam khuyến nghị, việc sử dụng HĐĐT khi bán hàng hóa dịch vụ giúp doanh nghiệp giảm thời gian và chi phí, đồng thời giúp công tác quản lý thuế của cơ quan Thuế được tốt hơn, tuy nhiên, trong quá trình sử dụng HĐĐT, doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý một số vấn đề như: khi bán hàng hóa, người bán xuất HĐĐT cho khách hàng phải lập đầy đủ danh mục hàng hóa bán ra đảm bảo nguyên tắc thông tin chứa trong HĐĐT có thể truy cập, sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết theo quy định tại Thông tư số 68/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính; người bán hàng không được lập HĐĐT không có danh mục hàng hóa mà lại kèm theo bảng kê hàng hóa bản giấy cho khách hàng.

“Thời điểm chuyển giao giữa các quy định mới và cũ, doanh nghiệp cần lựa chọn nhà cung cấp HĐĐT uy tín, nghiệp vụ phần mềm được nâng cấp chính xác, bộ phận tư vấn hỗ trợ chuyên nghiệp để kế toán doanh nghiệp tránh được những sai sót không đáng có”, ông Hoàng Văn Thuấn khuyến nghị. 

Odoo • A picture with a caption
 
trong Tin tức