Người lao động được hưởng lợi gì khi giữ lại 50% mức hưởng bảo hiểm một lần?

Với quy định hiện hành, người lao động được rút hết số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ một lần, vì vậy, đề xuất giữ lại 50% mức đóng để bảo lưu một phần, và cộng nối khi họ tiếp tục tham gia để thụ hưởng đầy đủ quyền lợi...Quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần là một trong 11 nội dung lớn của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang nhận được sự quan tâm và kỳ vọng lớn của người lao động, đặc biệt là đề xuất mới liên quan đến quy định chỉ được rút tối đa 50% mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Hiện trong dự thảo Chính phủ trình Quốc hội đang đề xuất hai phương án.


Phương án 1: Quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với 2 nhóm người lao động khác nhau.

Nhóm 1: Người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng, có nhu cầu thì vẫn được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Nhóm 2: Với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật sửa đổi có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận bảo hiểm xã hội một lần. Chỉ giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong các trường hợp gồm: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư; bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tự nguyện, và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm, mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng còn lại dược bảo lưu để người lao động tiếp tực tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Thông tin đề xuất chỉ được rút tối đa 50% mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhận được nhiều băn khoăn của người lao động. Thậm chí, trong quá trình thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng nhận được đến 5 loại ý kiến khác nhau về hai phương án bảo hiểm xã hội một lần.

Phản hồi từ phía cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tái khẳng định, mục tiêu của đóng bảo hiểm xã hội là để sau này có lương hưu, đảm bảo thu nhập hàng tháng khi về già của người lao động.

Quy định của các nước cũng chỉ cho rút bảo hiểm xã hội một lần khi không có cơ hội hưởng lương hưu, nghĩa là khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu mà không đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội, hoặc ra nước ngoài định cư, hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không còn cơ hội hưởng lương hưu mới được giải quyết.

“Rất ít quốc gia như Việt Nam cho người lao động khi đang còn độ tuổi lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Tất nhiên khi người lao động khó khăn trước mắt thì cần phải có các giải pháp, chính sách tháo gỡ, chứ không chỉ sử dụng nguồn quỹ đảm bảo khi về già để giải quyết vấn đề đó”, ông Nguyễn Duy Cường cho biết.


Theo ông Cường, đề xuất cho rút tối đa 50% mức hưởng bảo hiểm một lần, thì phần còn lại vẫn được bảo lưu để sau này cộng dồn khi người lao động tiếp tục tham gia, và thụ hưởng tối đa các quyền lợi về bảo hiểm xã hội.

Đơn cử một người lao động có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội 10 năm đề nghị giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần cho 5 năm, thì sẽ còn 5 năm đóng được bảo lưu trên sổ bảo hiểm xã hội. 

Khi người lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội ở một đơn vị mới thì họ vẫn được ghi nhận đã có 5 năm đóng, khi phát sinh các chế độ, quyền lợi thì vẫn được tính trên tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Còn theo như quy định hiện hành, thì người lao động thường sẽ lựa chọn rút hết phần đã đóng bảo hiểm xã hội, khi tiếp tục tham gia gần như họ phải “làm lại từ đầu”.

“Nếu giữ lại 50% nghĩa là người lao động vẫn bảo lưu được một phần đóng dù có thể không nhiều, để khi có cơ hội tiếp tục tham gia được cộng nối vào thì họ sẽ có động lực hơn. Quyền lợi cũng cao hơn những người đã rút hết”, ông Cường nói.

Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội cũng cho biết, đây là vấn đề lớn và nhạy cảm, vì vậy, với vai trò cơ quan chủ trì, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu tác động để hoàn thiện dự án Luật.

Theo Báo cáo tổng kết Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội một lần, trong 7 năm (từ 2016 - 2022) đã có gần 5 triệu lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, nhưng trong số này chỉ có khoảng gần 1,3 triệu người quay lại tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội (chiếm tỷ lệ 26% số lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần).

Trong số gần 5 triệu lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có khoảng 66% có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới 5 năm, nhóm dưới 40 tuổi chiếm 77,5% và đây cũng là nhóm có thời gian đóng bình quân dưới 5 năm.

Người lao động hưởng bảo hiểm một lần tập trung chủ yếu ở khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước, chiếm hơn 90% tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Xét theo địa lý thì khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long có số lượng người giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần đông nhất cả nước. Tại 2 khu vực này chiếm gần 60% tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Đây cũng là những khu vực tập trung nhiều lao động phổ thông, tuổi đời trẻ làm việc tại các khu công nghiệp./

Theo: vneconomy.vn

Chia sẻ bài này
Đăng nhập để viết bình luận
Tuổi hưu năm 2024 của người lao động được tính thế nào?