Chat Zalo! Icon
Nghỉ ốm dài ngày có phải đóng BHXH không?
2 tháng 12, 2020 bởi
Nguyễn Hoài Nguyên Hậu

Trong thời gian làm việc, người lao động sẽ khó tránh khỏi những lúc ốm đau, bệnh tật phải nghỉ dài ngày. Vậy, trường hợp nghỉ ốm dài ngày có phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) không?

Điều kiện và thời gian hưởng chế độ ốm đau dài ngày

Về điều kiện hưởng

Theo quy định tại Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chế độ ốm đau cần đáp ứng điều kiện sau đây:

- Là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như: Cán bộ, công chức, viên chức; Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, xác định thời hạn…

-  Người lao động bị ốm đau có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

- Bị ốm đau do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày ban hành kèm theo Thông tư 46/2016/TT-BYT…


Về thời gian hưởng

Căn cứ Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động ốm đau dài ngày được tính thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau như sau:

- Người lao động làm việc trong điều kiện bình thường được hưởng 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm, 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm, 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

- Với trường hợp nghỉ ốm do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày thì nghỉ tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần. Nếu hết 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tiếp tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.

- Với trường hợp làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nghỉ 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm, 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm, 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

Người lao động có phải đóng BHXH khi nghỉ ốm dài ngày?

Tại khoản 5 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định:

Điều 42. Quản lý đối tượng

5. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.

Đồng thời, khoản 5 Điều 6 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH cũng nêu rõ, trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau do bị mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, người lao động được hưởng bảo hiểm y tế do quỹ bảo hiểm xã hội đóng cho người lao động.

Như vậy, người lao động nghỉ ốm dài ngày không phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… nhưng vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế.

Quyền lợi được hưởng khi nghỉ ốm đau dài ngày

Cũng theo các quy định trên, khi nghỉ ốm đau dài ngày, người lao động được hưởng một số quyền lợi, cụ thể như sau:

- Người lao động được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế do quỹ BHXH đảm bảo.

- Người lao động nghỉ ốm đau thông thường và nghỉ ốm đau dài ngày tối đa 180 ngày thì mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

- Trường hợp nghỉ hết 180 ngày nêu trên mà người lao động vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng chế độ ở mức thấp hơn. Cụ thể mức hưởng theo tháng bằng:

+ 65% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ ốm nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên.

+ 55% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ ốm nếu đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm.

+ 50% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ ốm nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm.

Trên đây là giải đáp người lao động nghỉ ốm dài ngày không phải đóng BHXH? Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900 6192 để được tư vấn, giải đáp nhanh nhất.

trong Tin tức