Chat Zalo! Icon
Hoàn thiện quy định bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế

Chính phủ giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những quy định bất cập về định mức kinh tế - kỹ thuật để kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế, trong đó quy định rõ định mức bắt buộc phải tuân thủ, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), của cơ sở khám, chữa bệnh, tránh gây thất thoát, lãng phí quỹ BHYT.


Khách hàng tiến hành các thủ tục hành chính tại cơ quan BHXH

Bộ Tài chính nhận được công văn số 7467/VPCP-QHĐP của cử tri tỉnh Hà Tĩnh gửi tới kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Y tế quyết toán kịp thời số kinh phí vượt trần, vượt quỹ BHYT để các đơn vị đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động và phục vụ công tác thẩm định quyết toán kịp thời, đúng niên độ ngân sách (Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan).

Trả lời cử tri tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Tài chính cho biết việc quyết toán kinh phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT được thực hiện theo quy định tại Điều 32 sửa đổi, bổ sung Luật BHYT.

Đồng thời, theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ và Khoản 2 Điều 36 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.

Theo đó, trước ngày 01/10 hằng năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm tổng hợp và lập báo cáo quyết toán quỹ BHYT năm trước theo quy định tại Điều 32 của Luật BHYT.

Bên cạnh đó, theo Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ và Điều 35 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ các biện pháp giải quyết để bảo đảm đủ và kịp thời nguồn kinh phí cho khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định.

Trả lời về vấn đề quản lý nhà nước về BHYT, Bộ Tài chính cũng cho biết, theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Luật BHYT quy định, Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về BHYT.

Về vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, tại Khoản 11 Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 11/5/2019 phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2019 đã nêu rõ, các vấn đề vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT sẽ giải quyết theo quy định tại Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Thông tư số 15/2018/TT-BYT của Bộ Y tế.

Theo đó, Chính phủ thống nhất với đề nghị của Bộ Y tế. Bộ Y tế hướng dẫn để Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các cơ sở y tế theo đúng quy định của pháp luật về giá, về BHYT theo số lượng dịch vụ đã được giám định và mức giá quy định tại Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế và Bộ Tài chính và Thông tư số 15/2018/TT-BYT của Bộ Y tế.

Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những quy định bất cập về định mức kinh tế - kỹ thuật để kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế trong quý III/2019, trong đó, quy định rõ định mức bắt buộc phải tuân thủ, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, của cơ sở khám, chữa bệnh, tránh gây thất thoát, lãng phí quỹ BHYT.

Như vậy, căn cứ nội dung các văn bản đã nêu trên, việc quyết toán kinh phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT thuộc trách nhiệm của BHXH Việt Nam. Bộ Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về BHYT, chủ trì trình Chính phủ các biện pháp giải quyết để đảm bảo kịp thời nguồn kinh phí cho khám bệnh, chữa bệnh BHYT và triển khai Nghị quyết 30/NQ-CP nêu trên.

Bộ Tài chính đã đề nghị Văn phòng Chính phủ chuyển kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh tới Bộ Y tế để Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trả lời theo thẩm quyền.

trong Tin tức
Tiền thuế hoàn không đúng quy định bị thu hồi có phải tính tiền nộp chậm thuế?