Chat Zalo! Icon
Hạn chế tối đa sự chồng chéo trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành
5 tháng 12, 2019 bởi
Nguyễn Hoài Nguyên Hậu

Nghị định 85/2019/NĐ-CP quy định thực hiện thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK (gọi tắt là Nghị định Một cửa) được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 hứa hẹn sẽ hạn chế tối đa sự chồng chéo trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN) theo hướng đẩy mạnh hậu kiểm, áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến để đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí cho cả cơ quan nhà nước và DN.


Theo Vụ Pháp chế, từ năm 2014 đến nay, Chính phủ đã rất nỗ lực chỉ đạo việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, mặc dù các bộ, ngành cũng đã có nhiều cố gắng trong triển khai đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTCN theo Quyết định 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng chính phủ nhưng công tác KTCN đối với hàng hóa NK vẫn chưa đảm bảo tính minh bạch, tính dự báo, tính nhất quán trong hệ thống pháp luật về KTCN cũng như trong việc tổ chức thực hiện; tỷ lệ kiểm tra trong thông quan chưa giảm nhiều, kéo dài thời gian, tăng chi phí cho DN…

Nghị định Một cửa vừa ban hành đã quy định cụ thể một số nội dung về KTCN để khắc phục những tồn tại, bất cập. Đặc biệt, Nghị định Một cửa cũng phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 19 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc Chính phủ ban hành nghị định để quy định các biện pháp cụ thể để tổ chức thi hành luật; các biện pháp để thực hiện chính sách kinh tế - xã hội, những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn từ hai bộ trở lên….

Tại Điều 21 Nghị định Một cửa đã quy định nguyên tắc KTCN để chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro, đánh giá tuân thủ của tổ chức, cá nhân nhằm đảm bảo hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, quá cảnh.

Cũng tại Điều 21, Nghị định Một cửa quy định rõ việc áp dụng miễn, giảm KTCN đối với hàng hóa đã được chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy, công bố quy chuẩn, hợp quy, chứng nhận đã được áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực theo quy định của bộ quản lý ngành, lĩnh vực...

Tại Điều 22, Nghị định Một cửa quy định rõ các trường hợp miễn KTCN trước thông quan. Điều này đã tăng tính minh bạch, công khai phương pháp, tiêu chí kiểm tra thông qua việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; giải quyết tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong KTCN.

Trường hợp thông quan đối với hàng hóa XNK thuộc danh mục KTCN trước thông quan, Điều 23, Điều 24 Nghị định Một cửa đã đơn giản giấy tờ thuộc hồ sơ hải quan, theo đó không quy định giấy đăng ký KTCN sau thông quan là một căn cứ để cơ quan Hải quan quyết định thông quan như quy định tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định 74/2018/NĐ-CP vì với việc thực hiện thủ tục KTCN theo Cơ chế một cửa quốc gia, cơ quan KTCN đã được chia sẻ thông tin về các lô hàng đã được thông quan để xác định các lô hàng phải KTCN sau thông quan.

Đại diện Vụ Pháp chế cho rằng, để bảo đảm thống nhất, chuẩn hóa quy trình thực hiện thủ tục KTCN theo chỉ đạo của Chính phủ, Nghị định Một cửa cũng đã quy định theo hướng phân định rõ trách nhiệm của người khai hải quan, cơ quan KTCN, tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định, theo đó, việc thực hiện KTCN và chịu trách nhiệm về kết quả KTCN thuộc về cơ quan KTCN (Điều 25, 26, 27).

Đáng chú ý, Nghị định Một cửa quy định rõ cơ chế phối hợp giải quyết các trường hợp không đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hàng hóa NK có số lượng, chủng loại không phù hợp với hồ sơ đăng ký KTCN, tự ý tiêu thụ nội địa (Điều 27).

Cũng theo đại diện Vụ Pháp chế, Nghị định Một cửa đã tạo cơ sơ pháp lý thống nhất để cải cách toàn diện hoạt động KTCN theo hướng giảm lượng hàng hóa phải KTCN tại khâu thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK hàng hóa, minh bạch hóa công tác KTCN thông qua việc công bố các quy chuẩn, tiêu chuẩn, phương pháp kiểm tra. Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục những chồng chéo, xung đột, bất cập tại các văn bản về KTCN đối với hàng hóa XNK, tạo thuận lợi cho hàng hóa XNK.

Theo: HQ Online

trong Tin tức