Chat Zalo! Icon
5 chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế áp dụng từ ngày 1/7/2020

Từ ngày 1/7/2020, lương cơ sở sẽ tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng. Mức tăng trên sẽ làm tác động tới nhiều chính sách về lương hưu, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) theo hướng có lợi cho người lao động.


Theo đó, mức tăng lương cơ sở trên được đánh giá là cao nhất trong khoảng 8 năm trở lại đây. Lương cơ sở tăng đồng nghĩa với mức lương thực tế và một số khoản phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ được tăng lên tương ứng. Đặc biệt, có sự tác động mạnh tới nhiều chính sách về lương hưu, BHXH, BHYT

Thứ nhất, tăng mức hưởng lương hưu thấp nhất. Theo Khoản 5 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức lương hưu hàng tháng thấp nhất của người lao động tham gia BHXH bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu bằng mức lương cơ sở (trừ một số trường hợp quy định riêng). Như vậy, mức lương hưu hàng tháng thấp nhất nêu như trên sẽ là 1,6 triệu đồng/tháng, tính từ ngày 1/7/2019.

Thứ hai, tăng mức thanh toán 100% chi phí khi khám, chữa bệnh BHYT. Theo Điểm d khoản 1 Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh ở mức 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh nếu thấp hơn 15% mức lương cơ sở. 

Sau ngày 1/7/2020, mức hỗ trợ chi phí 100 % như nêu trên khi mức chi phí khám thấp hơn 240.000 đồng (1.600.000 đồng x 15 % = 240.000 đồng).

Thứ ba, tăng “trần” 20 tháng đóng BHXH bắt buộc. Theo khoản 3 Điều 6 Quyết định số 595/QĐ-BHXH, nếu mức lương đóng BHXH cao hơn 20 tháng lương cơ sở thì mức lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối đa bằng 20 tháng lương cơ sở.

Như vậy, sau ngày 1/7/2020, mức trần tối đa đóng BHXH bắt buộc sẽ là: 32.000.000 đồng (20 x 1.600.000 đồng = 32.000.000 đồng)

Thứ tư, tăng mức đóng BHYT tối đa. Theo Khoản 2, Điều 18 Quyết định số 595/QĐ-BHXH, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn có mức đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong đó UBND xã đóng 3%; người lao động đóng 1,5%.

Như vậy, mức đóng BHYT trên của người lao động từ ngày 1/7/2020, sẽ là: 1,5 x 16.000.000 đồng = 24.000 đồng/tháng.

Thứ năm, tăng mức đóng BHYT của các thành viên theo hộ gia đình. Theo Điểm e khoản 1 Điều 7 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, mức đóng BHYT hộ gia đình, như sau:

Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ 2, thứ 3, thứ 4 đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Như vậy, từ ngày 1/7/2020, mức đóng của người thứ 1 tăng lên 72.000 đồng/tháng (4,5 x 1.600.000 đồng = 72.000 đồng). Đồng thời, mức đóng của những người còn lại cũng tăng theo.

trong Tin tức
Thông tư 68 về hóa đơn điện tử chính thức có hiệu lực từ 14/11/2019