Chat Zalo! Icon
Chữ ký số mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân

Chữ ký số mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong việc xác định tính pháp lý khi tham gia các hoạt động, giao dịch, trên môi trường điện tử, là điều kiện không thể thiếu để hướng tới chuyển đổi số, chính phủ số trong tương lai. Đó là những nội dung được đưa ra tại Hội nghị “Tuyên truyền về chữ ký số, dịch vụ chứng thực chữ ký số năm 2022” do Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Bộ Thông tin – Truyền thông phối hợp Sở Thông tin – Truyền thông tổ chức sáng 25/11.

100% doanh nghiệp đã sử dụng chữ ký số

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia Tô Thị Thu Hương cho biết, Nghị quyết 50/NQ-CP của chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ ký số từ xa để thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Chữ ký số được triển khai, áp dụng đúng sẽ có giá trị pháp lý như chữ ký tay và con dấu (tổ chức, doanh nghiệp). Đồng thời, đóng vai trò quan trọng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong việc xác định tính pháp lý khi tham gia các hoạt động, giao dịch, trên môi trường điện tử, là điều kiện không thể thiếu để hướng tới chuyển đổi số, chính phủ số trong tương lai.

Bà Tô Thị Thu Hương cho biết, hiện nay 100% doanh nghiệp đã sử dụng chữ ký số chủ yếu trong các dịch vụ như kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… trong khi đó thì tỷ lệ người dân sử dụng chữ ký số còn rất khiêm tốn. Tính đến tháng 9/2022, trên toàn quốc, có hơn 1,8 triệu chứng thư số đang hoạt động, tăng 17,63 % so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó có gần 1,6 triệu chứng thư số của doanh nghiệp, tổ chức và 334.133 chứng thư số cá nhân đang hoạt động.


Ông Đặng Đình Trường, Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia cho biết, Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu cơ bản đến năm 2025, tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50% và năm 2030 con số này là trên 70%.

Bà Võ Thị Trung Trinh phát biểu tại hội nghị.

Chữ ký số cá nhân chưa được sử dụng rộng rãi

Bà Tô Thị Thu Hương đánh giá, TPHCM đang tích cực chuyển đổi số nhằm trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện, từng bước thúc đẩy tăng trưởng và cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, góp phần khẳng định vị thế, vai trò động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về chuyển đổi số ở cả ba lĩnh vực là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TP Võ Thị Trung Trinh thông tin, TPHCM đã ứng dụng chữ ký số trong việc phát hành văn bản điện tử, triển khai liên thông kết nối hơn 1.140 đơn vị bao gồm các sở, ban ngành TP các quận huyện, phường xã, thị trấn, các tổng công ty, đơn vị trực thuộc. Hơn 10 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận trên nền tảng chia sẻ dữ liệu điện tử, chia sẻ dữ liệu dùng chung của TP.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, hiện nay TPHCM đã phối hợp với Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia, triển khai giải pháp tích hợp chữ ký số từ xa, trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TP. Và hệ thống này sẽ chính thức vận hành vào tuần đầu của tháng 12/2022.

Theo bà Võ Thị Trung Trinh, việc ứng dụng chữ ký số trong quá trình chuyển đổi số là hết sức quan trọng, do đó, TPHCM sẽ tăng cường ứng dụng chữ ký số, đặc biệt là công tác số hóa để hình thành kho dữ liệu dùng chung của TPHCM, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan của TP và cung cấp dữ liệu mở cho người dân.

Các đại biểu tham gia nghi thức công bố tích hợp giải pháp ký số vào cổng dịch vụ công TPHCM diễn ra tại hội nghị.

Đại diện Sở Thông tin – Truyền thông cho biết, có 82 đơn vị của TP đã sử dụng chữ ký số, hầu như tất cả các quận huyện, sở, ngành của TP đều sử dụng chữ ký số.  Tổng chứng thư số đang hoạt động là là 4.367. Trong đó, số lượng chứng thư số đang hoạt động của các tổ chức là 1.173 và của các cá nhân là 3.194.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu lên những khó khăn hạn chế trong triển khai chữ ký số, dịch vụ chứng thực chữ ký hiện nay. Bà Tô Thị Thu Hương cho rằng, chữ ký số chưa được phủ rộng trong các loại hình giao dịch điện tử.  Đối tượng sử dụng chủ yếu là tổ chức, doanh nghiệp đặc biệt là chữ ký số cá nhân chưa được sử dụng rộng rãi. Người dân chưa được tiếp cận và chưa hiểu hết lợi ích, cách thức sử dụng chữ ký số hoặc biết nhưng vẫn còn ngại khi sử dụng.

Một số ý kiến cho rằng, để thúc đẩy phát triển chữ ký số cá nhân là triển khai Remote Signing (chữ ký số từ xa); tích hợp giải pháp ký số theo mô hình API (giao diện chương trình ứng dụng) ký số từ xa vào các cổng dịch vụ công; triển khai xác minh danh tính từ xa, đăng ký chứng thư số bằng phương thức điện tử. Cùng với đó, cần chính sách ưu đãi; phát triển mạng lưới và phổ biến, tuyên truyền sử dụng chữ ký số. Để chữ ký số được sử dụng rộng rãi thì giá thành phải rẻ, dễ sử dụng, áp dụng được trong nhiều lĩnh vực

Nguồn: https://hcmcpv.org.vn/

Viên chức có được nghỉ hưởng chế độ ốm đau không?