Áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ 01/01/2024

Sáng 29/11, với 462 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 93,52%), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung, theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

TaxOnline là dịch vụ thuế điện tử được Tổng Cục thuế công nhận từ năm 2011

Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung, theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu

Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước

Nội dung báo cáo Chính phủ nêu thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo đó, việc ban hành chính sách thuế nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu tại Việt Nam là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, cụ thể:

Thứ nhất, phù hợp với Nghị quyết số 07- NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN), quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, trong đó khoản 3 Mục III Nghị quyết đã nêu: “Hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế...”.

Thứ hai, phù hợp với định hướng, chính sách tại Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, trong đó tại khoản 4 Mục III Nghị quyết đã nêu: “Hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá theo hướng nâng lên thành luật; hoàn thiện, bổ sung các quy định chặt chẽ trong pháp luật về thuế…để kiểm soát, quản lý, ngăn chặn chuyển giá ngay từ khi thành lập và trong quá trình hoạt động của DN có vốn đầu tư nước ngoài”.

Thứ ba, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 tại Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng cộng sản Việt Nam, tại khoản 4 Mục V Chiến lược có nêu: “Sửa đổi hệ thống luật và chính sách thuế, phí, lệ phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế… Mở rộng cơ sở thu, bảo đảm tính công bằng, trung lập của chính sách thuế”.

Thứ tư, phù hợp với Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, tại khoản 2 Điều 4 về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện có nêu: “... khai thác các dư địa thu, mở rộng và chống xói mòn cơ sở thuế... Hạn chế việc lồng ghép các chính sách xã hội trong pháp luật về thuế. Rà soát, hoàn thiện các quy định ưu đãi thuế để tránh thất thu, bảo đảm minh bạch, công bằng, khả thi, phù hợp với xu thế phát triển và thông lệ quốc tế”.

Phù hợp với Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, trong đó, tại khoản 2 Mục I Điều 1 có nêu mục tiêu tổng quát: “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thuế gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế”. Đồng thời tại điểm d khoản 1 Mục III Điều 1 về cải cách đối với thuế TNDN có nêu: “Mở rộng cơ sở thuế phù hợp bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và thông lệ quốc tế; thực hiện các tiêu chuẩn phòng, chống chuyển giá, chống xói mòn nguồn thu theo thông lệ quốc tế.”

Bên cạnh đó, việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới, như: Tăng nguồn thu NSNN từ phần thu thuế bổ sung; tăng cường hội nhập quốc tế và hạn chế hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.

Thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới về nguồn thu NSNN

TaxOnline là dịch vụ thuế điện tử được Tổng Cục thuế công nhận từ năm 2011

Áp dụng thuế suất tối thiểu 15%

Tại Dự thảo Nghị quyết, Điều 2 quy định đối tượng người nộp thuế phải áp dụng quy định về thuế TNDN bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) là đơn vị hợp thành của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao ít nhất 2 năm trong 4 năm liền kề trước năm tài chính tương đương 750 triệu euro (EUR) trở lên.

Trong đó, loại trừ các trường hợp là: các tổ chức của chính phủ; tổ chức quốc tế; tổ chức phi lợi nhuận; quỹ hưu trí; quỹ đầu tư là công ty mẹ tối cao; tổ chức đầu tư bất động sản là công ty mẹ tối cao; tổ chức có ít nhất 85% giá trị tài sản thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức quy định từ điểm a đến điểm e khoản này. Nghị quyết giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Số thuế TNDN bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn được xác định bằng: (Tỷ lệ thuế bổ sung x Lợi nhuận tính thuế bổ sung) + Số thuế bổ sung được điều chỉnh cho năm hiện hành (nếu có).

Tỷ lệ thuế bổ sung = thuế suất tối thiểu - thuế suất thực tế. Thuế suất tối thiểu được xác định là 15%.

Thuế suất thực tế tại Việt Nam được tính cho mỗi năm tài chính và được xác định theo công thức = tổng số thuế TNDN tại Việt Nam thuộc phạm vi áp dụng đã được điều chỉnh trong năm tài chính của các đơn vị hợp thành tại Việt Nam/thu nhập ròng tại Việt Nam trong năm tài chính theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.

Lợi nhuận tính thuế bổ sung = thu nhập ròng theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu - giá trị tài sản hữu hình và tiền lương được giảm trừ theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.

Trong đó, thu nhập ròng theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu = thu nhập theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu của tất cả các đơn vị hợp thành - lỗ theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu của tất cả các đơn vị hợp thành.

Giá trị tài sản hữu hình và tiền lương được giảm trừ theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu khi xác định lợi nhuận tính thuế bổ sung là giá trị bằng 5% tổng giá trị tài sản hữu hình trung bình hằng năm của tất cả các đơn vị hợp thành tại Việt Nam và 5% tổng tiền lương của tất cả các đơn vị hợp thành tại Việt Nam, theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.

Trong giai đoạn chuyển tiếp từ năm 2024, giá trị tài sản hữu hình và tiền lương được giảm trừ cho từng năm theo quy định tại phụ lục ban hành kèm theo nghị quyết này.

Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài phải nộp thuế bổ sung nếu hưởng thuế suất thấp

Về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR), dự thảo Nghị quyết quy định công ty tối cao, công ty mẹ bị sở hữu một phần, công ty mẹ trung gian tại Việt Nam là đơn vị hợp thành theo quy định tại Điều 2 của Nghị quyết này, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp quyền sở hữu đơn vị hợp thành chịu thuế suất thấp tại nước ngoài theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu tại bất kỳ thời điểm nào trong năm tài chính phải khai và nộp thuế theo quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu bằng phần thuế phân bổ từ thuế bổ sung theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu của đơn vị hợp thành chịu thuế suất thấp ở nước ngoài trong năm tài chính, trừ trường hợp số thuế bổ sung này được nộp ở nước khác, nơi có quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu đạt chuẩn được ưu tiên áp dụng theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu về thứ tự ưu tiên đánh thuế.

Tổng số thuế bổ sung tại một nước được xác định theo công thức sau đây:

Tổng số thuế bổ sung tại một nước = (Tỷ lệ thuế bổ sung x Lợi nhuận tính thuế bổ sung) + Số thuế bổ sung được điều chỉnh cho năm hiện hành (nếu có) - Số thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (nếu có).

Số thuế TNDN bổ sung theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được nộp vào ngân sách trung ương.

Theo: Tổng cục Thuế

Chia sẻ bài này
Đăng nhập để viết bình luận
Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024