Chat Zalo! Icon
Vẫn phức tạp chuyện hóa đơn
13 tháng 8, 2019 bởi
Phạm Vũ Minh Đức

Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho người nộp thuế do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) vừa tổ chức mới đây, hầu hết các vấn đề đặt ra liên quan đến chuyện hóa đơn, khai thuế và khấu trừ thuế trong quá trình chuyển đổi từ thủ công lên điện tử. Hầu hết doanh nghiệp, cá nhân thắc mắc về hóa đơn điện tử chuyển đổi; chứng từ để được khấu trừ thuế…


Khoán phí công tác nước ngoài 

Một số doanh nghiệp thắc mắc rằng, đơn vị có chế độ cử nhân viên ra nước ngoài học tập, ngoài vé máy bay, đơn vị còn thanh toán cả chi phí đi lại, khách sạn, ăn uống ở nước ngoài…, nhưng họ thanh toán bằng ngoại tệ, không có hóa đơn chứng từ thì doanh nghiệp có được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)? Đại diện Cục Thuế TPHCM giải đáp, theo Thông tư 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNDN không có hóa đơn, chứng từ thì không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể thực hiện khoán tiền đi lại, tiền ở, phụ cấp cho người lao động đi công tác, nhưng phải thực hiện đúng theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán tiền đi lại, tiền ở, tiền phụ cấp.

Một đại diện doanh nghiệp khác thắc mắc, đơn vị có chuyên gia nước ngoài do công ty mẹ chỉ định sang làm việc tại Việt Nam, không ký hợp đồng lao động tại Việt Nam vì lương do công ty mẹ chi trả ở nước ngoài, nhưng công ty mẹ yêu cầu công ty tại Việt Nam chi trả hộ tiền thuê nhà, thuê xe công tác và hỗ trợ chi phí di chuyển hàng tháng cho các chuyên gia (có giấy chứng nhận cư trú tạm thời trên 183 ngày tại Việt Nam). Như vậy, các chuyên gia này có phải khai báo và quyết toán thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam? Lãnh đạo Cục Thuế TPHCM cho biết, căn cứ Thông tư 111/2013/TT-BTC, nếu trong năm tính thuế, chuyên gia này được xác định là cá nhân cư trú tại Việt Nam thì vẫn có nghĩa vụ khai nộp thuế đối với thu nhập nhận từ công ty mẹ ở nước ngoài và tổng hợp toàn bộ thu nhập để quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế.

Một số doanh nghiệp phản ánh về việc hiện nay nhà nước quy định phải tiến lên sử dụng hóa đơn điện tử, thế nhưng biên lai khấu trừ thuế thu nhập cá nhân thì vẫn không được đăng ký sử dụng và báo cáo tình hình sử dụng qua mạng, khiến hàng quý công ty phải cử người đến cơ quan thuế nộp trực tiếp. Lãnh đạo Cục Thuế TP cho rằng, căn cứ Thông tư số 37/2010/TT-BTC hướng dẫn việc phát hành, sử dụng, quản lý chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân tự in trên máy tính, thì nếu công ty không bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế từ 2 lần trở lên (trong thời gian 1 năm trở về trước), có trang thiết bị máy tính và phần mềm bảo vệ, sẽ đủ điều kiện được tự in chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, trước khi sử dụng chứng từ khấu trừ tự in, công ty phải nộp hồ sơ để Cục Thuế TP xem xét, trả lời chấp thuận hay không chấp thuận. Nếu được chấp thuận, hàng quý, công ty chỉ lập và gửi bảng kê sử dụng chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân qua hệ thống tiếp nhận hồ sơ khai thuế của Tổng cục Thuế (http://nhantokhai.gdt.gov.vn) trong vòng 30 ngày của tháng đầu quý sau.

Sử dụng hóa đơn điện tử vẫn phải… in, đóng dấu

Hiện có nhiều công ty phản ánh họ đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử theo lộ trình của nhà nước, thế nhưng khi chuyển đổi xong lại bị vướng trong quá trình lưu chuyển hàng hóa. Mặc dù theo Điều 12 Thông tư số 32/2011/TT-BTC vẫn quy định người bán đã sử dụng hóa đơn điện tử phải chuyển đổi sang hóa đơn giấy để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa hữu hình trong quá trình lưu thông, nhưng chỉ được chuyển đổi 1 lần. Và hóa đơn điện tử chuyển sang hóa đơn giấy phải đáp ứng đủ các điều kiện có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy, có chữ ký và họ tên của người thực hiện chuyển từ hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy… Nếu phải in, đóng dấu, ký tên thì khác gì xuất hóa đơn giấy, như vậy sẽ trở nên lạc hậu. Trong khi đó, Điều 29 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP thì lại quy định khi kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường, đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu thông tin về hóa đơn điện tử phục vụ yêu cầu quản lý, không yêu cầu cung cấp hóa đơn giấy. 

Giải thích về vấn đề này, lãnh đạo Cục Thuế TP cho biết, Thông tư số 32/2011/TT-BTC hướng dẫn về khởi tạo, phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có quy định, trường hợp nếu công ty khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Thông tư số 32/2011/TT-BTC thì phải thực hiện chuyển đổi hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy theo quy đinh tại Điều 12 của Thông tư 32/2011/TT-BTC. Vì hiện nay Bộ Tài chính đang trong quá trình xây dựng thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 119/2018/NĐ-CP, Tổng cục Thuế đang xây dựng Cổng thông tin điện tử để tiếp nhận thông tin về hóa đơn, do vậy, trong thời gian này các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử vẫn áp dụng các quy định tại Thông tư số 32/2011/TT-BTC.

Theo: http://www.sggp.org.vn/
trong Tin tức