Đây là một trong những nội dung tại báo cáo Kết quả triển khai thực hiện Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn năm 2018 - 2022 của BHXH Việt Nam gửi Bộ Tư pháp.
Ở Trung ương, BHXH Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc, BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, các nguyên tắc, phạm vi trách nhiệm, nội dung và hình thức theo dõi THPL; xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh trong việc triển khai công việc được giao; bảo đảm sự phối kết hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương; huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, cá nhân trong công tác theo dõi tình hình THPL; bảo đảm công tác theo dõi tình hình THPL được thực hiện thường xuyên, toàn diện, có trọng tâm gắn với chức năng, nhiệm vụ của ngành BHXH; kết hợp chặt chẽ công tác theo dõi tình hình THPL với công tác kiểm tra, rà soát văn bản và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Trên cơ sở Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 242/QĐ-TTg và Kế hoạch theo dõi tình hình THPL trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành và lĩnh vực trọng tâm của Bộ Tư pháp năm 2019, BHXH Việt Nam đã ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình THPL; thu thập, xử lý thông tin; đánh giá tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN và tình hình ban hành văn bản tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; phối hợp thực hiện các nhiệm vụ khác tại Quyết định số 3072/QĐ-BTP ngày 21/12/2018 của Bộ Tư pháp.
BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc và BHXH tỉnh, thành phố tiếp nhận, thu thập thông tin phản ánh, dư luận từ các phương tiện thông tin đại chúng; phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân; thông tin của các đơn vị trực thuộc, BHXH địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, đánh giá về tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; tính hợp pháp, khả thi và kịp thời; phối hợp rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN.
Ở địa phương, BHXH tỉnh, thành phố đã tổ chức triển khai Kế hoạch công tác theo dõi tình hình THPL cho CCVC và người lao động trong đơn vị cũng như các tổ chức, cá nhân ngoài Ngành trong việc thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Xây dựng Kế hoạch theo dõi tình hình THPL năm 2019 gắn chặt với việc thực hiện Kế hoạch thực hiện Đề án và Kế hoạch theo dõi tình hình THPL của BHXH Việt Nam.
Tổ chức kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các Kế hoạch đã được phê duyệt. Xây dựng và tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện pháp luật nói chung tại các đơn vị trực thuộc, kiểm tra việc thực hiện chế độ BHXH, BHTN, BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động, cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, tham gia các đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành, Tổ thu nợ liên ngành, các đoàn giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn. Việc báo cáo kết quả công tác theo dõi tình hình THPL được thực hiện trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành ngành BHXH trước ngày 05/10 hàng năm, số liệu báo cáo tính từ ngày 01/10 của năm trước liền kề đến hết ngày 30/9 của năm báo cáo.
Kết quả, Ngành đã xây dựng được quy trình chung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong việc tiếp nhận xử lý phản, ánh kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về tình hình THPL. BHXH Việt Nam đã trang bị đồng bộ hạ tầng kỹ thuật hiện đại theo mô hình tập trung, được quản lý và vận hành tại Trung tâm điều hành các hệ thống công nghệ thông tin Ngành BHXH. Đã hoàn thành việc thiết lập hệ thống mạng WAN kết nối với 63 tỉnh thành phố và 709 quận/huyện. Hiện nay, toàn bộ ứng dụng CNTT ngành BHXH đã được triển khai, xây dựng theo mô hình tập trung, thống nhất tại trung ương như: Hệ thống giao dịch BHXH điện tử; Hệ thống thông tin giám định BHYT; Hệ thống cấp số định danh và quản lý BHYT hộ gia đình; Hệ thống quản lý thu - Sổ - Thẻ; Hệ thống Tài chính kế toán; Hệ thống quản lý chi trả, xét duyệt các chế độ BHXH, BHYT, BHTN...
Mặt khác, BHXH Việt Nam đã xây dựng được các Cơ sở dữ liệu quản lý nghiệp vụ chuyên ngành như Cơ sở dữ liệu Hộ gia đình tham gia BHYT, Cơ sở dữ liệu đơn vị tham gia và người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, Cơ sở dữ liệu người hưởng hàng tháng, Cơ sở dữ liệu thuốc, hoạt chất và vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật trong danh mục được thanh toán khám chữa bệnh BHYT, Cơ sở dữ liệu hồ sơ thanh toán và giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Đây là những nền tảng ứng dụng CNTT cơ bản bao phủ mọi hoạt động của Ngành, đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập, lưu trữ dữ liệu về tình hình THPL nói chung. Đặc biệt, khi BHXH Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu sẽ đảm bảo nguồn dữ liệu đa dạng, đầy đủ, sẵn có, mang tính tích hợp, giảm gánh nặng xây dựng các báo cáo tình hình THPL…/.
Nguồn: BHXH Việt Nam