Chat Zalo! Icon
Quy định khoanh nợ thuế sẽ khắc phục phát sinh nợ ảo
30 tháng 8, 2019 bởi
Phạm Vũ Minh Đức

Sáng 27/8, Tổng cục Thuế đã tổ chức hội nghị phổ biến những điểm mới của Luật Quản lý thuế sửa đổi (Luật Quản lý thuế số 38) cho các phóng viên chuyên trách theo dõi lĩnh vực thuế.


Ông Nguyễn Thế Mạnh (giữa) trả lời câu hỏi của các phóng viên tại hội nghị sáng 27/8

Tại hội nghị, ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, việc quy định khoanh nợ thuế trong Luật Quản lý thuế số 38 sẽ khắc phục được bất cập phát sinh nợ ảo; giảm thời gian, công sức cơ quan thuế phải theo dõi khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi

Thêm biện pháp xử lý nợ đọng thuế  

    Nói về những điểm mới cơ bản trong Luật Quản lý thuế số 38, ông Lưu Đức Huy cho biết, luật đã bổ sung quy định về khoanh tiền thuế nợ. Theo đó, đối với các đối tượng người nộp thuế đã chết hoặc được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp chờ giải thể; doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được khoanh nợ thuế

“Quy định này sẽ khắc phục được bất cập phát sinh nợ ảo (khi tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp cao, dẫn đến nợ đọng lớn, không có khả năng thu hồi). Đồng thời, quy định rõ về thẩm quyền khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, phân cấp cho thủ trưởng cơ quan quản lý thuế; bổ sung quy định thời điểm không tính tiền chậm nộp đối với các trường hợp được khoanh nợ” - ông Huy cho biết thêm

    Luật Quản lý thuế số 38 cũng quy định về việc xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Theo đó, luật đã bổ sung đối tượng được xoá nợ đối với hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản mà không còn tài sản để nộp thuế. Mở rộng thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp tỉnh được xóa nợ thuế đối với khoản nợ dưới 5 tỷ đồng trên cơ sở đề nghị của cục trưởng cục thuế, cục trưởng cục hải quan; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan được xóa nợ đối với các trường hợp có tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền xử phạt từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng; Bộ trưởng Bộ Tài chính được xóa nợ đối với các trường hợp có số nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền xử phạt từ 10 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng; Thủ tướng Chính phủ được quyền xóa nợ đối với các trường hợp nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt trên 15 tỷ đồng

    Cùng với việc quy định rõ thẩm quyền xóa nợ, Luật Quản lý thuế số 38 cũng đề cập đến việc miễn tiền chậm nộp. Cụ thể, luật đã quy định đối với trường hợp người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp, có quyền đề nghị miễn tiền chậm nộp trong trường hợp gặp khó khăn do thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ, các trường hợp bất khả kháng khác

Ban hành nghị quyết xử lý nợ không chồng chéo với luật

    Trước ý kiến cho rằng, vì sao đã có quy định về vấn đề khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt trong Luật Quản lý thuế số 38 rồi, mà Tổng cục Thuế vẫn đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về xóa nợ thuế. Như vậy có phải là chồng chéo không? Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Thế Mạnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Luật Quản lý thuế số 38 được Quốc hội ban hành, có hiệu lực từ 1/7/2020. Do đó, tất cả các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế số 38 có hiệu lực chưa có chế tài để xử lý

    “Các khoản tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp phát sinh trước khi Luật Quản lý thuế năm 2006 và sau đó qua các lần sửa đổi chưa có quy định nào về việc xử lý khoản nợ này. Để xử lý khoản nợ thuế này, cần thiết phải có một nghị quyết của Quốc hội để xử lý các khoản nợ đọng trước 1/7/2020. Tuy nhiên, nghị quyết này chỉ xử lý phần tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp, chứ không xử lý phần nợ gốc. Theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38 các khoản nợ gốc nếu được xử lý xóa nợ có quy định rất ngặt nghèo, thời gian tối thiểu phải là 10 năm” - ông Mạnh nói.

    Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng cho biết, trong tổng số hơn 79.000 tỷ đồng nợ thuế, có hơn 39.000 tỷ đồng nợ không có khả năng thu. Ông Mạnh cho biết thêm, đến nay sau khi phân loại, căn cứ vào các tiêu chí hiện hành, số nợ đủ điều kiện để xóa chỉ khoảng 9.000 tỷ đồng tiền chậm nộp và tiền phạt chậm nộp. Còn lại, chủ yếu là phần nợ gốc. “Theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38, từ 1/7/2020 nếu đảm bảo các điều kiện thì mới được xem xét để xóa nợ” - ông Mạnh nói.

trong Tin tức