Chat Zalo! Icon
NGÀNH THUẾ QUYẾT XỬ LÝ CÁC DOANH NGHIỆP CÓ HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ HÓA ĐƠN
11 tháng 3, 2021 bởi
Nguyễn Thái Ngọc

Trước tình hình doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về hóa đơn đang có những diễn biến khá phức tạp trong thời gian vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn đã yêu cầu các cục thuế, chi cục thuế tăng cường công tác chỉ đạo tiếp tục tổ chức nhận dạng doanh nghiệp, nắm bắt hành vi, cách thức để lập danh sách người nộp thuế có rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp nhằm phát hiện xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hóa đơn.

Tăng cường công tác quản lý thuế

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn yêu cầu Cục trưởng, Chi cục trưởng giao cho bộ phận chức năng (các phòng; các đội) tiếp tục tổ chức nhận dạng doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp; nắm bắt hành vi, cách thức của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp (gọi chung là NNT) sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp.

Thứ nhất, tăng cường công tác thu thập thông tin dữ liệu về NNT do cục thuế, chi cục thuế đang quản lý và thông tin về NNT từ các cơ quan khác như: Thông tin giao dịch đáng ngờ từ Cơ quan giám sát Ngân hàng; Thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước khác (Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Cơ quan khác...); Đơn thư tố cáo; Phương tiện thông tin truyền thông...

Thứ hai, lập danh sách NNT có rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp (NNT có rủi ro về hóa đơn): Rà soát, phân tích dữ liệu đã thu thập về NNT để nhận diện, xác định danh sách NNTcó rủi ro về hóa đơn. Phân tích rủi ro để xác định NNT có rủi ro cao về hóa đơn.

Thứ ba, tổ chức giám sát chặt chẽ đối với NNT có rủi ro cao về hóa đơn: Phân công bộ phận chức năng theo dõi, kiểm soát chặt chẽ việc in, phát hành, quản lý sử dụng hóa đơn đối với NNT theo chế độ quy định; Kiểm tra, rà soát hồ sơ khai thuế của NNT có rủi ro cao về hóa đơn thường xuyên, liên tục (tháng, quý); Kiểm tra, rà soát việc bán hóa đơn lẻ tránh việc lợi dụng sử dụng hóa đơn lẻ để hợp thức hóa đầu vào, hoặc làm chứng từ để thanh toán với ngân sách nhà nước; Xây dựng chuyên đề thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, về hóa đơn.

Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Từ đó, thực hiện giải pháp hiệu quả và tránh được tình trạng mua bán trái phép hóa đơn, tiết kiệm chi phí cho các loại giấy tờ, vận chuyển.

Thứ năm, cơ quan thuế các cấp thực hiện phối hợp chặt chẽ với nhau trên phạm vi địa bàn một tỉnh, thành phố hoặc trên địa bàn khác nhau của tỉnh, thành phố trong cả nước theo Quy chế số 165/QĐ-TCT ngày 14/2/2017 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về việc ban hành quy chế phối hợp giữa cơ quan thuế các cấp trong xử lý hồ sơ có dấu hiệu vi pháp pháp luật thuế có liên quan đến nhiều địa phương. Theo đó, Thủ trưởng cơ quan thuế các cấp chỉ đạo các bộ phận chức năng nghiêm túc chấp hành theo nguyên tắc, cách thức, nội dung, trách nhiệm, thời gian thực hiện… đã hướng dẫn của Quy chế nêu trên để trả lời kịp thời kết quả việc cung cấp thông tin, xác minh về: Đăng ký; Kê khai, nộp thuế; In, phát hành, sử dụng hóa đơn của NNT cho cơ quan thuế đề nghị phối hợp.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan

Trong công tác phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra và các cơ quan có liên quan xử lý các đối tượng vi phạm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn yêu cầu Cục trưởng, Chi cục trưởng thường xuyên quan tâm chỉ đạo cơ quan thuế, bộ phận chức năng phối hợp với cơ quan Công an theo Quy chế số 1527/QCPH-TCT-TCCS ngày 31/10/2007 giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục Cảnh sát. Cụ thể:

Một là, công tác phối hợp phải được triển khai chặt chẽ ngay từ khâu ban đầu đối với các vụ việc chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an; Phối hợp trong việc xác minh nguồn gốc hàng hóa, kiểm tra xác minh người mua, người bán từ khâu đầu đến khâu cuối; Hồ sơ, tài liệu chuyển cơ quan Công an đảm bảo tính pháp lý, xác định rõ dấu hiệu, hình thức và thủ đoạn vi phạm về in, phát hành, sử dụng hóa đơn không hợp pháp nhằm trốn thuế, hoặc có dấu hiệu mua bán hóa đơn của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; Dự tính số thuế bị thất thoát; Phối hợp chặt chẽ việc cung cấp thông tin, tài liệu theo đề nghị của cơ quan Công an trong quá trình điều tra, xử lý.

Hai là, Cục trưởng, Chi cục trưởng giao cho một bộ phận thường xuyên thực hiện việc rà soát các thông tin có nội dung rao mua bán, cung cấp hóa đơn không hợp pháp trên mạng, mạng xã hội (như: Trang cá nhân trên Facebook, email, điện thoại…; Xác định danh tính, địa chỉ, phương thức, thủ đoạn hoạt động của cá nhân, tổ chức rao mua bán, cung cấp hóa đơn bất hợp pháp trên địa bàn địa phương, qua đó cung cấp, chuyển thông tin các đối tượng này sang cho cơ quan công an địa phương đề nghị điều tra làm rõ.

Ba là, tiếp nhận thông tin về giao dịch qua ngân hàng của một số doanh nghiệp có dấu hiệu đáng ngờ từ Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (Cục Phòng chống rửa tiền) theo Quy chế phối hợp số 1319/QCPH-CQTTGSNH-TCT ngày 11/5/2105 giữa Tổng cục Thuế với Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, phối hợp với Trung tâm thông tin tín dụng thuộc Ngân hàng nhà nước để được cung cấp thông tin về vay vốn ngân hàng, tín dụng của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế, phát hiện doanh nghiệp có hành vi trốn thuế, mua bán hoá đơn.

Bốn là, cơ quan thuế cử người (cán bộ; đoàn thanh tra, kiểm tra,…) liên hệ và làm việc với với các Ngân hàng Thương mại mà NNT giao dịch (Hội sở, hoặc Chi nhánh, hoặc Phòng giao dịch,…) để đề nghị cung cấp thông tin về giao dịch, chứng từ thực tế thanh toán qua ngân hàng của NNT để làm cơ sở xử lý về thuế, thanh tra, kiểm tra các trường hợp NNT có dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp trốn thuế, mua bán hóa đơn, xử lý theo quy định.

Năm là, trong công tác phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra, thời gian qua cơ quan thuế tiếp tục tổng hợp các hành vi vi phạm và củng cố hồ sơ chuyển cho cơ quan công an điều tra xem xét và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp mua bán và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

***** Box:

Trong thời gian vừa qua, cơ quan thuế đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Công an trong việc xác minh nguồn gốc hàng hóa, kiểm tra xác minh người mua, người bán từ khâu đầu đến khâu cuối; hồ sơ, tài liệu chuyển cơ quan công an đảm bảo tính pháp lý, xác định rõ dấu hiệu, hình thức và thủ đoạn vi phạm về in, phát hành, sử dụng hóa đơn không hợp pháp nhằm trốn thuế, hoặc có dấu hiệu mua bán hóa đơn của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Trong các năm qua, cơ quan thuế đã tổng hợp các hành vi vi phạm mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và củng cố hồ sơ chuyển cho cơ quan công an hàng trăm trường hợp có dấu hiệu vi phạm (Ví dụ: năm 2019 là 135 trường hợp và năm 2020 là 162 trường hợp).

Một số vụ việc vi phạm điển hình có thể kể đến như Công ty TNHH Junma Phú Thọ; 4 công ty tại Hà Nội là Công ty TNHH XNK EUROPA, Công ty TNHH TM & XNK An Khánh, Công ty TNHH XNK & TM dịch vụ Minh Hải, Công ty TNHH XNK & TM Gia Bảo; Vụ việc 15 công ty thực hiện mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng với số lượng lớn do Ngô Văn Phát (Chủ tịch Hội đồng quảng trị Công ty cổ phần thương mại xăng dầu Phát-Petraco tại Hải Phòng) cầm đầu; và một số trường hợp điển hình khác đang được tiếp tục xử lý tại một số địa bàn trọng điểm như TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, An Giang, khu vực Tây Nguyên…

trong Tin tức