Chat Zalo! Icon
Hộ kinh doanh lớn phải sử dụng hóa đơn điện tử
1 tháng 10, 2019 bởi
Phạm Vũ Minh Đức

Chia sẻ về những điểm mới của Nghị định 119/2018/NĐ-CP (NĐ119) tại hội nghị đối thoại với DN Hàn Quốc diễn ra ngày 24/9, Vụ trưởng Vụ chính sách Tổng cục Thuế Lưu Đức Huy cho biết, ngoài DN, tổ chức thì hộ kinh doanh (HKD) hoạt động trong 5 lĩnh vực là nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng có sử dụng thường xuyên từ 10 lao động và có doanh thu năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên sẽ phải sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT). Quy định này nhằm phân loại HKD và khuyến khích các hộ lớn chuyển lên DN.


Các trường hợp áp dụng HĐĐT

Ông Lưu Đức Huy cho biết, NĐ 119 quy định 2 loại HĐĐT đó là HĐĐT có mã và không có mã của cơ quan thuế. Trong đó, HĐĐT không có mã của cơ quan thuế áp dụng đối với các DN kinh doanh ở các lĩnh vực: điện lực; xăng dầu; bưu chính viễn thông; vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy; nước sạch; tài chính tín dụng; bảo hiểm; y tế; kinh doanh thương mại điện tử; kinh doanh siêu thị... Đây là những DN thuộc diện ít rủi ro, đã áp dụng việc giao dịch điện tử với cơ quan thuế, có hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm kế toán, phần mềm HĐĐT đáp ứng được các yêu cầu lập, tra cứu, lưu trữ và đảm bảo được việc truyền dữ liệu HĐĐT đến người mua và đến cơ quan thuế. Trường hợp DN thuộc các ngành nghề nêu trên, không muốn sử dụng HĐĐT không có mã của cơ quan thuế, mà đăng ký sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế hoặc thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế, thì áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, dịch vụ. 

HĐĐT có mã của cơ quan thuế được áp dụng với các DN, tổ chức kinh tế, tổ chức khác khi bán hàng hóa dịch vụ; các đơn vị thuộc đối tượng rủi ro cao về thuế khi bán hàng hóa cung cấp dịch vụ; hộ cá nhân kinh doanh thực hiện sổ sách kế toán, sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và có doanh thu năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng. NĐ 119 cũng quy định HKD có doanh thu năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ phải sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế, không phân biệt từng lần bán hàng hóa dịch vụ. Đặc biệt, hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bán lẻ thuốc tân dược, bán lẻ hàng tiêu dùng, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng tại một số địa bàn có điều kiện thuận lợi phải triển khai thí điểm HĐĐT có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền, có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. 

5 trường hợp được miễn phí sử dụng HĐĐT

NĐ 119 cũng quy định rõ 5 trường hợp được Tổng cục Thuế hoặc tổ chức được Tổng cục Thuế ủy nhiệm cung cấp dịch vụ HĐĐT có mã của cơ quan thuế mà không thu tiền. Đó là các DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ cá nhân kinh doanh tại địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; các DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật và hộ cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành DN trong thời gian 12 tháng, kể từ khi thành lập DN. Các hộ cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng hoặc có doanh thu từ 10 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại cũng được miễn phí 12 tháng kể từ khi áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế. Cơ quan thuế sẽ miễn phí sử dụng HĐĐT đối với các DN nhỏ và vừa khác theo đề nghị của UBND tỉnh và quy định của Bộ Tài chính, trừ các DN hoạt động trong khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp. Ngoài ra, còn miễn phí sử  dụng HĐĐT đối với một số trường hợp cần thiết khác để khuyến khích sử dụng HĐĐT.

Đối với dịch vụ HĐĐT có thu tiền, NĐ 119 quy định, tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT (bao gồm tổ chức cung cấp dịch vụ truyền nhận, lưu trữ dữ liệu HĐĐT và các dịch vụ khác liên quan đến HĐĐT) được thu tiền theo thỏa thuận tại hợp đồng được ký giữa tổ chức cung cấp dịch vụ và bên nhân dịch vụ là DN, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh. 

Đại diện Tổng cục Thuế nhấn mạnh, kể từ thời điểm sử dụng HĐĐT có  hoặc không có mã của cơ quan thuế, DN tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ cá nhân kinh doanh phải hủy hóa đơn giấy còn tồn chưa sử dụng.

Trách nhiệm chia sẻ, kết nối  thông tin dữ liệu

Theo quy định tại NĐ 119, các DN tổ chức kinh tế sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực điện lực, xăng dầu, bưu chính viễn thông, vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, nước sạch, tài chính tín dụng, bảo hiểm, y tế, kinh doanh thương mại điện tử, siêu thị, thương mại thuộc đối tượng sử dụng HĐĐT và cung cấp dữ liệu theo quy định của Bộ Tài chính.

Các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, tổ chức có chức năng thanh toán định kỳ cung cấp dữ liệu điện tử về giao dịch thanh toán qua tài khoản của các tổ chức, cá nhân cho cơ quan thuế theo định dạng dữ liệu chuẩn của Bộ Tài chính. Các tổ chức sản xuất, nhập khẩu những sản phẩm chịu thuế TTĐB thuộc đối tượng sử dụng tem theo quy định của pháp luật thực hiện kết nối thông tin về in và sử dụng tem, tem điện tử giữa tổ chức sản xuất, nhập khẩu với cơ quan quản lý thuế. 

Đối với các tổ chức, đơn vị như Tổng cục quản lý thị trường, Tổng cục quản lý đất đai, Tổng cục quản lý tài nguyên khoáng sản, cơ quan công an, giao thông, y tế và các cơ quan khác có liên quan cần kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu liên quan trong lĩnh vực quản lý với Tổng cục Thuế để xây dựng cơ sở dữ liệu về HĐĐT. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính là đơn vị chủ trì phối hợp với các bộ, đơn vị liên quan ban hành quy chế cung cấp, sử dụng thông tin về HĐĐT.

trong Tin tức