Để thúc đẩy DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhiều nước áp dụng chính sách hỗ trợ tài chính, đặc biệt là các chính sách miễn, giảm thuế.
Miễn giảm theo đối tượng, kết hợp tiêu chí thời hạn
Theo PGS, TS Phạm Tiến Đạt, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính), ở nhiều quốc gia, Chính phủ tập trung hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong giai đoạn đầu, thông qua đầu tư kinh phí để phát triển ý tưởng, sau đó đến một giai đoạn nhất định, mới cho phép các công ty tư nhân tham gia. Cũng có nước hỗ trợ sản phẩm đầu ra bằng cách, nhà nước ưu tiên mua dịch vụ mới để phục vụ lợi ích công cộng. Tuy nhiên, hình thức hỗ trợ của nhà nước chủ yếu là thông qua các quỹ, hoặc theo vốn đối ứng với nhà đầu tư, đặc biệt là các chính sách miễn giảm thuế.
Riêng đối với chính sách thuế, các nước có thể thực hiện ưu đãi theo đối tượng; kết hợp các tiêu chí với thời hạn (doanh thu với thời hạn, đầu tư với thời hạn…). Cụ thể, đối với chính sách thuế ưu đãi theo đối tượng, thường dưới hình thức miễn giảm thuế TNDN, thuế chuyển nhượng vốn; cho phép khấu trừ đối với chi phí nghiên cứu phát triển. Ưu đãi theo đối tượng trên cơ sở quy định các ưu đãi về thuế TNCN, hoặc giảm các khoản đóng góp an sinh xã hội đối với các doanh nhân, giảm thuế TNDN đối với thu nhập từ hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; miễn giảm thuế TNDN cho các DN khởi nghiệp do sinh viên làm chủ; miễn thuế TNDN cho các công ty đầu tư mạo hiểm; miễn thuế trên phần lợi nhuận từ các khoản đầu tư vào DN khởi nghiệp, cho phép bù lỗ đối với các khoản lỗ phát sinh từ việc đầu tư vào DN khởi nghiệp; ưu đãi thuế TNDN hoặc các quy định về khấu hao, lao động trong các DN. Đơn cử, Chính phủ Hà Lan đã xây dựng đề án về tín dụng thuế R&D, cho phép giảm thuế đối với các khoản lương bổng nhận được từ công việc R&D. Đối tượng áp dụng là các chuyên gia có thời gian làm việc ít nhất 500 giờ/năm cho các hoạt động R&D tại các DN và được giảm trừ một số tiền cố định khi nộp tờ khai thuế TNCN cho cơ quan thuế. Tuy nhiên, các dự án R&D phải đáp ứng 2 điều kiện là, hoạt động được đề xuất sẽ diễn ra tại DN hay phục vụ phát triển công nghệ mới cho DN, nhằm giải quyết những thách thức về kỹ thuật.
Trong khi đó, chính sách ưu đãi thuế kết hợp các tiêu chí với thời hạn được đa phần các nước áp dụng. Cụ thể, việc kết hợp tiêu chí doanh thu với thời hạn được
Singapore thực hiện để xây dựng các chính sách ưu đãi thuế TNDN. Theo đó, Chính phủ Singapore cho phép các DN khởi nghiệp có doanh thu dưới 100.000 SGD được miễn thuế TNDN trong 3 năm đầu; từ 100.000-300.000 SGD được áp dụng mức thuế TNDN là 8,5%; trên 300.000 SGD thì tính mức thuế TNDN là 17%.
Trong khi đó, để khuyến khích đầu tư vào DN khởi nghiệp, Chính phủ Australia lại kết hợp tiêu chí như một startup với thời hạn cụ thể. Theo đó, Australia cho phép miễn thuế đối với thặng dư vốn đầu tư trong 10 năm đối với những khoản vốn đã được đầu tư ít nhất 12 tháng và cho phép bù trừ thuế không hoàn lại bằng 20% tổng vốn đầu tư, tối đa lên tới 200.000 USD/năm. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi này, các nhà đầu tư phải thỏa mãn 2 điều kiện là đầu tư vào DN đang ở giai đoạn đầu thành lập và DN phải có liên quan đến đổi mới sáng tạo, dựa trên sự xác nhận của cơ quan thuế.
Trong khi đó, lựa chọn cách thức miễn giảm thuế kết hợp với các tiêu chí lĩnh vực, đối tượng và thời gian, Thái Lan quy định miễn giảm thuế TNCN 10 năm và thuế TNDN trong 5 năm đối với công ty đầu tư vào 10 lĩnh vực công nghệ chủ chốt như ôtô thế hệ kế tiếp, điện tử thông minh, du lịch trải nghiệm, thực phẩm. Riêng Trung Quốc, DN khởi nghiệp do sinh viên làm chủ được miễn thuế TNDN 2 năm đối với lĩnh vực tư vấn, thông tin, dịch vụ kỹ thuật; miễn thuế TNDN năm đầu tiên và năm thứ 2 thì giảm 50% thuế TNDN đối với lĩnh vực giao thông vận tải, thông tin điện tử; miễn thuế TNDN 1 năm đối với lĩnh vực sự nghiệp công cộng, thương nghiệp, vật tư, du lịch, kho bãi, văn hoá giáo dục.
Ngoài chính sách thuế, các nước còn hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về tín dụng thông qua hình thức bảo lãnh tín dụng, đi kèm các cam kết và cho vay khởi nghiệp nhằm hỗ trợ vốn cho DN trong giai đoạn đầu thành lập. Điển hình tại các nước OECD cho vay khởi nghiệp được thực hiện thông qua ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại, với khoản cho vay ưu đãi từ 50.000-250.000 euro/DN. Bên cạnh đó, các chính sác hỗ trợ thông qua tiền mặt, cơ sở hạ tầng cho R&D ngay từ khi các sinh viên còn đang đi học cũng được các nước triển khai.
Đề xuất nguyên tắc xây dựng chính sách hỗ trợ tại Việt Nam
Từ kết quả nghiên cứu kinh nghiệm các nước cho thấy, vai trò của chính sách hỗ trợ tài chính trực tiếp từ ngân sách, tín dụng, đến gián tiếp như ưu đãi thuế rất quan trọng, nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp. Theo đó, Việt Nam cần xây dựng chính sách tài chính đặc thù cho DN khởi nghiệp. Riêng các về chính sách thuế, có thể miễn thuế TNDN từ 3-5 năm đầu kể từ khi thành lập, sau đó áp dụng mức thuế ưu đãi thấp hơn nức thuế phổ thông đang áp dụng với DN nhỏ và vừa.
Tuy nhiên, theo PGS, TS Phạm Tiến Đạt, chính sách hỗ trợ cho DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần phải đúng đối tượng. Muốn vậy, Nhà nước phải xác định, phân loại rõ các đối tượng DN dựa trên chất lượng của ý tưởng để hỗ trợ. Cùng với đó, cần có hệ sinh thái khởi nghiệp toàn diện, trong đó có mối liên hệ giữa cơ sở giáo dục đào tạo và các ngành đặc biệt quan trọng. Mặt khác, các chính sách ưu đãi cần có tính thời hiệu, chỉ tập trung trong giai đoạn đầu hoạt động, từ 3-5 năm. Đồng thời, phát triển thêm các kênh huy động vốn cho DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chú trọng huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán.
Nguồn: TCT online