Chat Zalo! Icon
Bổ sung ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cho công nghiệp ô tô
14 tháng 8, 2019 bởi
Phan Khoa Thành
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 122/2016/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan đã chính thức được hoàn thiện. Một nội dung đáng lưu ý trong dự thảo phát ra lần này là việc sửa đổi, bổ sung quy định về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành công nghiệp ô tô giai đoạn 2019 – 2023.
 

Có khoảng 300 DN của Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Ảnh: ST

Hỗ trợ doanh nghiệp “nội” có năng lực

Theo bà Trần Thị Bích Ngọc – Trưởng phòng Chính sách thuế xuất nhập khẩu, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính: Lần này Bộ Tài chính tiếp tục lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 125 đối với một số nội dung bổ sung mới so với dự thảo gửi xin ý kiến vào tháng 4 vừa qua. Tại dự thảo này, Bộ Tài chính đã bổ sung quy định về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành công nghiệp ô tô giai đoạn 2019 - 2023 nhằm thực hiện chủ trương, định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển của Đảng và Nhà nước.

Trong dự thảo, Bộ Tài chính nêu rõ: Thời điểm hiện nay, cần thiết xây dựng chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô giai đoạn 2019 - 2023; đồng thời để tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên và phát huy điểm mạnh hiện có của các DN công nghiệp hỗ trợ để tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, đáp ứng được điều kiện cần và đủ trong phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Các DN công nghiệp hỗ trợ chủ yếu là DN nhỏ và vừa với quy mô, năng lực còn nhỏ yếu. Trong khoảng 1.800 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện thì chỉ có khoảng 300 DN của Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng DN công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam lại có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực. Các sản phẩm này đã đáp ứng nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. DN công nghiệp hỗ trợ trong nước đã có thể cung cấp một số phụ tùng, linh kiện nhựa, cao su cho các sản phẩm điện tử, ô tô xe máy, phụ tùng linh kiện nhôm và kim loại cho ô tô, xe máy và các sản phẩm máy móc thiết bị…

Để hỗ trợ các DN sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, qua đó ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, Bộ Tài chính dự kiến bổ sung Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất trong giai đoạn 2019 – 2023 và thuế nhập khẩu ưu đãi sẽ là 0%.

Phải có cam kết mới được ưu đãi

Theo quy định tại dự thảo, thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, người khai hải quan căn cứ thực tế hàng nhập khẩu để kê khai mã hàng hóa, nộp thuế theo mức thuế suất thuế nhập khẩu thông thường hoặc mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi hoặc thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định hiện hành, chưa áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% của Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ. Đối tượng áp dụng là các DN hoạt động trong ngành sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô.

Để chặt chẽ, DN phải cam kết nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất, lắp ráp sản phẩm có tên trong Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định. DN phải có hợp đồng mua bán sản phẩm với các DN sản xuất, lắp ráp xe ô tô đáp ứng điều kiện của chương trình ưu đãi thuế quy định tại nghị định này. Ngoài ra, DN phải có cơ sở sản xuất, có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất sản phẩm trên lãnh thổ Việt Nam; nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được do DN trực tiếp nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển. Việc xác định nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất căn cứ theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về danh mục nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được.
Đến hết tháng 7/2019, Việt Nam nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại đạt 88 nghìn chiếc, trị giá đạt 1,94 tỷ USD, tăng 365,6% về lượng và tăng 319,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Lượng nhập khẩu này sẽ thu hẹp bớt thị phần của DN sản xuất, lắp ráp xe trong nước nên các DN này sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong bối cảnh hàng rào thuế quan và hàng rào kỹ thuật không còn. Các DN nước ngoài đang dần chuyển sang nhập khẩu kinh doanh thương mại thay cho việc sản xuất, lắp ráp ô tô. Trước tình hình trên, Bộ Tài chính thấy cần có chính sách kịp thời cho các DN sản xuất, lắp ráp ô tô để duy trì và phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Nguồn: Thống kê của Tổng cục Hải quan)


Việc giảm thuế nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, theo Bộ Tài chính, trước mắt có thể giảm số thu từ thuế nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện, vật tư, tuy nhiên sẽ góp phần thúc đẩy DN công nghiệp hỗ trợ phát triển, từ đó tăng các khoản thu thuế nội địa khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, góp phần tạo công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, thu hút đầu tư đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, cải thiện cán cân thương mại, góp phần lan tỏa, thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển.

Cũng theo quy định, chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày 30/6 hoặc ngày 31/12 hàng năm, DN có công văn gửi cơ quan Hải quan đề nghị áp dụng mức thuế suất ưu đãi 0% theo Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ. Giai đoạn đề nghị áp dụng thuế suất 0% của DN tối đa không quá 6 tháng tính từ ngày 1/1 đến ngày 30/6 hoặc từ ngày 1/7 đến ngày 31/12 hàng năm. Trong quá trình kiểm tra hồ sơ đề nghị áp dụng thuế suất 0%, trường hợp hồ sơ đề nghị áp dụng mức thuế suất 0% nếu chưa đầy đủ thành phần hồ sơ theo quy định, cơ quan hải quan có văn bản đề nghị DN bổ sung hồ sơ. Trường hợp cơ quan Hải quan có nghi vấn về tính chính xác của các thành phần hồ sơ thì thực hiện kiểm tra tại trụ sở cơ quan Hải quan hoặc trụ sở cơ quan của người nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.




Nguồn: Tổng cục Hải quan



trong Tin tức