Chat Zalo! Icon
Bảo hiểm y tế thương mại - Lấp đầy những khoảng trống

Cả nước hiện có khoảng 85 triệu người tham gia bảo hiểm y tế - bảo hiểm xã hội (BHYT - BHXH). Tuy nhiên, người dân có BHYT khi đi khám, chữa bệnh vẫn phải bỏ tiền chi trả các dịch vụ y tế không thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT . Hơn nữa, không ít dịch vụ mà BHYT chi trả vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, quyền lợi của người dân, nhất là với đối tượng thu nhập cao. 


Nhiều người tham gia BHYT có nhu cầu được khám chữa bệnh chất lượng cao theo yêu cầu

Do đó, phát triển BHYT thương mại không chỉ lấp đầy những khoảng trống của BHYT hiện nay, mà còn đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người bệnh.

Nhu cầu cao

Mặc dù tham gia BHYT, nhưng hàng năm, chị Lê Thị Hường (giám đốc một công ty du lịch) vẫn bỏ ra gần 100 triệu đồng/năm mua gói bảo hiểm sức khỏe từ một doanh nghiệp bảo hiểm liên doanh cho mọi người trong gia đình, để phòng khi đau ốm nằm viện không phải chịu gánh nặng tiền bạc. Chia sẻ với chúng tôi, chị Hường cho biết: Có BHYT nhưng rất ít khi tôi sử dụng khi đến khám bệnh vì thủ tục phiền hà và chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng tốt. Trái ngược với gói bảo hiểm sức khỏe, tôi và những người thân trong gia đình nếu không may ốm đau, có thể lựa chọn được những bệnh viện và dịch vụ theo yêu cầu mà không phải lo nghĩ về thuốc men, chi phí điều trị... 

Theo ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, hiện nay người có thẻ BHYT khi khám chữa bệnh phải chi trả các dịch vụ không thuộc phạm vi chi trả của Quỹ BHYT, bao gồm: thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật ngoài danh mục; khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc, dịch vụ y tế dự phòng; sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sức khỏe sinh sản; điều trị tật khúc xạ, sử dụng kính mắt, răng giả… Cùng với đó, người bệnh còn phải cùng chi trả 5% - 20% tổng chi phí khám chữa bệnh. Về khám chữa bệnh trái tuyến tỉnh, trung ương, người bệnh phải chi trả 100% chi phí ngoại trú, cùng chi trả đối với một số loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật và phần chi phí chênh lệch khi khám chữa bệnh theo yêu cầu. Do vậy, với quy định hiện nay về khám chữa bệnh BHYT đang có những ảnh hưởng, ràng buộc không nhỏ đối với người có thu nhập cao, muốn khám chữa bệnh theo yêu cầu với chất lượng và dịch vụ y tế cao nhất. 

Trong khi đó, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết thực tế hiện nay nhiều người đã mua BHYT nhưng có nguyện vọng tham gia các dịch vụ y tế cao hơn như: giường bệnh theo yêu cầu, bác sĩ theo yêu cầu, các dịch vụ y tế khác theo yêu cầu. Tuy nhiên, gói dịch vụ y tế cơ bản của BHYT hiện chưa có quy định chi trả các dịch y tế theo yêu cầu. Trong khi với các gói dịch vụ đa dạng khác nhau, BHYT thương mại đã thực hiện được việc kết nối quyền lợi của người tham gia với mức đóng và hưởng tương xứng. “Về cơ bản, người tham gia BHYT thương mại đóng 1 triệu đồng, sẽ có quyền lợi tương ứng tối đa với 1 triệu đồng. Nhưng với BHYT, người bệnh đóng 100.000 đồng nhưng mức hưởng lại tùy thuộc tình trạng bệnh...”, ông Phạm Lương Sơn chỉ rõ.

Kết nối liên thông với BHYT

Một số chuyên gia y tế cho rằng, trong bối cảnh BHYT nhà nước chỉ đáp ứng được những dịch vụ y tế cơ bản, người bệnh vẫn phải bỏ tiền túi ra chi trả những dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, thì việc phát triển BHYT thương mại là cần thiết, góp phần lấp đầy khoảng trống của BHYT nhà nước; đồng thời đóng góp vào cơ chế tài chính chung, bảo vệ người dân khỏi rủi ro về chi tiêu y tế khi không may đau ốm. Lãnh đạo Vụ BHYT cho biết, nhằm đa dạng các gói BHYT và tăng cường liên kết giữa BHYT xã hội với BHYT thương mại, tới đây, Bộ Y tế sẽ cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm thương mại tham gia BHYT xã hội, cung cấp các sản phẩm ngoài phạm vi quyền lợi của BHYT. Doanh nghiệp BHYT thương mại có thể triển khai các gói sản phẩm như: chi trả bảo hiểm cho danh mục thuốc, vật tư ngoài chi trả BHYT; thiết kế gói quyền lợi bổ sung cho chi phí cùng chi trả, phần chênh lệch khi khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Đại diện Bộ Y tế cho rằng khi có hai nguồn BHYT nhà nước và BHYT thương mại sẽ tạo nguồn tài chính bền vững và ổn định cho người tham gia. Điều kiện hoạt động của bệnh viện cũng sẽ đáp ứng tốt hơn. “Hiện nay trên thế giới, nhiều tổ chức BHYT tư nhân, thương mại triển khai các gói y tế bổ sung. Ở Australia, BHYT chi trả 75% - 80% chi phí khám chữa bệnh của người dân, nên tổ chức thương mại tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm này cung cấp các gói y tế bổ sung với 20% chi phí còn lại. Vì thế, Việt Nam hoàn toàn có thể thiết kế được loại hình BHYT thương mại này với các gói bổ sung, gói nâng cao, gói sản phẩm theo yêu cầu”, ông Lê Văn Khảm chia sẻ. Đồng thời ông cho rằng, để kiểm soát chất lượng của BHYT thương mại, cần phải có thêm quy trình trong kết nối liên thông giữa BHYT nhà nước và BHYT thương mại, từ đó nâng cao vai trò của ngành y tế trong kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế thuộc gói BHYT thương mại.

Theo: http://sggp.org.vn

trong Tin tức
Quy định khoanh nợ thuế sẽ khắc phục phát sinh nợ ảo