Chat Zalo! Icon
Tăng cường phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm
21 August, 2019 by
Phạm Vũ Minh Đức

Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung ba tội danh là tội gian lận bảo hiểm xã hội (BHXH), BH thất nghiệp; tội gian lận bảo hiểm y tế (BHYT); tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động. Việc bổ sung này đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc xử lý trách nhiệm hình sự các hành vi vi phạm, phần nào đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm...


TAND tối cao tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 05 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

Cần hướng dẫn kịp thời

Mặc dù đã có hiệu lực, tuy nhiên, các quy định về tội danh gian lận BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn còn mang tính chung chung, định tính và có cách hiểu khác nhau, cần có sự hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật.

Trước thực tế này, để thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015, Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội trong Tòa án nhân dân (TAND), và kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn xét xử, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HÐTP ngày 15-8-2019 hướng dẫn áp dụng Ðiều 214 về tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp, Ðiều 215 về tội gian lận BHYT và Ðiều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự. Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thông qua ngày 25-6-2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-9-2019.

Tại lễ công bố Nghị quyết số 05,Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, thực hiện trách nhiệm của Quốc hội giao việc hướng dẫn cụ thể các quy định của điều luật nêu trên, cho nên hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã xây dựng nghị quyết hướng dẫn với quy trình rất chặt chẽ, qua nhiều đóng góp thì đến nay nghị quyết đã được Hội đồng thẩm phán thông qua.

Theo đó, Nghị quyết gồm tám điều, gồm: Phạm vi điều chỉnh; một số thuật ngữ được sử dụng trong hướng dẫn áp dụng các Ðiều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự (như: lập hồ sơ giả, lập hồ sơ bệnh án khống, kê đơn thuốc khống, kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật chi phí giường bệnh; giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT, thẻ BHYT được cấp khống, thẻ BHYT giả, thẻ đã bị thu hồi, bị sửa chữa, trốn đóng BHXH, gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp…); một số tình tiết quy định khung hình phạt; truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể; xử lý hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động thực hiện trước 0 giờ ngày 1-1-2018; xác định tư cách tố tụng của cơ quan BHXH…

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Ðào Việt Ánh chia sẻ, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ triển khai chính sách BHXH, BHYT mà Chính phủ giao. Ðến nay, đối tượng tham gia đóng BHXH đã đạt hơn 30% lực lượng lao động (hơn 14,5 triệu người); đối tượng tham gia BH thất nghiệp đạt 12,7 triệu người; đối tượng tham gia BHYT đạt hơn 84,7 triệu người, tương đương 89% số dân tham gia BHYT. Ðồng thời, mỗi năm cơ quan BHXH giải quyết chi trả chế độ BHXH cho khoảng hơn mười triệu người hưởng và hơn 170 triệu lượt người hưởng chế độ khám, chữa bệnh BHYT… Tuy nhiên, trong thực hiện chính sách vẫn còn nhiều vấn đề nổi cộm, nhất là tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp hơn. Tính đến nay số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là hơn 6.000 tỷ đồng, khoảng hơn 55.000 đơn vị với hàng trăm nghìn lao động bị ảnh hưởng… Chính vì vậy, việc Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn các điều luật liên quan đến tội trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại các Ðiều 214, 215, 216 là hết sức cần thiết.

Theo Phó Tổng Giám đốc Ðào Việt Ánh, thời gian trước, cơ quan BHXH đã chuyển sang cơ quan điều tra các hồ sơ để tiến hành khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự, tuy nhiên cũng có những vướng mắc nhất định như tình tiết và hành vi vi phạm ở Ðiều 214, 215, 216 có nhiều điểm cần hướng dẫn; tư cách của cơ quan BHXH tham gia tố tụng cũng chưa được hướng dẫn cụ thể; vi phạm xảy ra trước thời điểm 0 giờ ngày 1-1-2018 xử lý như thế nào cũng đang là một vấn đề khó khăn… Việc Nghị quyết được ban hành, các nội dung vướng mắc đã được quy định rõ ràng hơn sẽ giúp cơ quan BHXH và các cơ quan liên quan có cơ sở pháp lý trong việc thực hiện chính sách. Ðồng thời, cơ quan BHXH sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân, tổ chức, người lao động cũng như các cá nhân nắm được quy định này.

Đánh giá cao những nội dung Nghị quyết số 05 đề cập, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc Nghị quyết được thông qua sẽ bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật trong việc xét xử đối với các tội danh tại các Ðiều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT và BH thất nghiệp, những chính sách trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của nước ta. Sau khi Nghị quyết được ban hành, các quy định của Bộ luật Hình sự về ba tội danh này sẽ được triển khai, áp dụng đồng bộ, thống nhất trên thực tiễn, qua đó sẽ tăng cường tính răn đe, cảnh báo và bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và của cả cơ quan BHXH trong lĩnh vực BHXH, BHYT và BH thất nghiệp…

Người thực hiện hành vi làm giả hồ sơ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT, thẻ BHYT để chiếm đoạt tiền BHXH, BH thất nghiệp, BHYT hoặc gây thiệt hại, ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng tại các Ðiều 214 hoặc 215 của Bộ luật Hình sự, người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Ðiều 314 của Bộ luật Hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.


Theo: http://bhxhtphcm.gov.vn