Chat Zalo! Icon
Sẵn sàng chốt sổ bảo hiểm xã hội cho lao động ở doanh nghiệp phá sản

Để giải quyết quyền lợi cho người lao động tại các doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất người lao động ở các doanh nghiệp này vẫn được giải quyết các chế độ bảo hiểm kể cả ngắn hạn và dài hạn nếu có quá trình tham gia đóng thực, đủ điều kiện hưởng. Sau này truy thu được sẽ cộng nối thêm…

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp khó khăn, phá sản, giải thể dẫn đến tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Để đảm bảo quyền lợi tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động, ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục theo dõi “sức khỏe” của doanh nghiệp để cảnh báo các cơ quan chức năng.

Theo thống kê, hiện bảo hiểm xã hội các địa phương trong cả nước đã chuyển hơn 300 hồ sơ các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp sang cơ quan công an để xử lý theo quy định tại điều 216 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội "Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động".

Sau khi cơ quan công an làm việc với các bên liên quan, một số doanh nghiệp đã nộp toàn bộ số tiền chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm. Với các trường hợp còn lại, cơ quan công an đang củng cố hồ sơ và yêu cầu doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Ông Sơn cũng cho biết, mới đây nhất, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã đánh giá, tính đến 31/12/2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã rà soát và xác định được trên 29.000 đơn vị (với 206.468 lao động) đã phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn với số tiền còn chậm đóng là 3.215 tỷ đồng.

Cơ quan bảo hiểm xã hội đã xác định được số lượng lớn quá trình đóng của từng người lao động ở các doanh nghiệp này, đến nay đã xác định được số tiền chậm đóng ở 26.670 đơn vị, với số tiền chậm đóng hơn 3.100 tỷ đồng.

“Chúng tôi xác định rất rõ quá trình tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động để sẵn sàng chốt số bảo hiểm xã hội cho quá trình người lao động đã đóng thực.

Trước mắt, để giải quyết quyền lợi cho người lao động, chúng tôi đã đề xuất Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là đối với người lao động ở các đơn vị phá sản này thì được giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, các chế độ ngắn hạn, kể cả chế độ dài hạn như hưu trí, nếu có quá trình tham gia đóng thực, đủ điều kiện để giải quyết”, ông Sơn thông tin.

Trường hợp sau này truy thu được thì sẽ cộng nối điều chỉnh thêm cho người lao động để đảm bảo quyền lợi cho họ. Theo ông Sơn, hiện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã nhất trí với đề xuất của cơ quan bảo hiểm. Việc này đã tháo gỡ được nhiều khó khăn của người lao động về hưởng quyền lợi trong khi doanh nghiệp phá sản, giải thể.

Về cân đối, kết dư các quỹ bảo hiểm sau khi thực hiện các gói hỗ trợ Covid-19, ông Sơn cho biết, số dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư tới hết năm 2020 là khoảng 30.000 tỷ đồng và ko ảnh hưởng đến cân đối quỹ lâu dài.


Trước khi Quốc hội thông qua chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, các cơ quan tham mưu đã đánh giá kỹ tác động, với đề xuất chi hỗ trợ này ảnh hưởng thế nào trong cân đối quỹ lâu dài.

Chính phủ cũng quy định rõ đối với quản lý Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là số dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp luôn phải đảm bảo tối thiểu bằng 2 lần mức tổng số chi bảo hiểm thất nghiệp của năm liền kề trước đó. “Vì vậy có thể yên tâm là vẫn đảm cân đối quỹ lâu dài”, ông Sơn nhấn mạnh.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 9/2022, tổng chi phí hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là trên 47,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 54,3% trên tổng các gói hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ.

Trong đó, đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 2.501 lượt đơn vị sử dụng lao động, với gần 380.000 lượt người lao động, với số tiền trên 2.015,9 tỷ đồng.

Đã thực hiện điều chỉnh giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho gần 390.000 lượt đơn vị sử dụng lao động, với gần 11,7 triệu lượt người lao động với số tiền khoảng 4.164,1 tỷ đồng.

Đã thực hiện giảm mức đóng vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 116/NQ-CP cho 346,6 nghìn lượt đơn vị sử dụng lao động, với trên 12 triệu lượt NLĐ, với số tiền khoảng 9.209,3 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho 66 đơn vị sử dụng lao động với 8.230 người lao động, với số tiền gần 38,87 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đã thực hiện chi hỗ trợ trực tiếp bằng tiền từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho trên 13,3 triệu lượt người lao động, với số tiền 31.836 tỷ đồng (trong đó có trên 99% người lao động nhận hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng).




Đề xuất chỉ được rút 8% BHXH một lần: Phải sòng phẳng với người lao động