Chat Zalo! Icon
Những nội dung đổi mới trong chính sách BHXH tại Nghị định 43/CP
12 November, 2019 by
Phạm Vũ Minh Đức

Nghị định 43/CP được đánh giá là tạo ra đột phá mới trong thiết kế chính sách BHXH, với những quy định về nghĩa vụ đóng góp và quyền lợi được hưởng; mở rộng đối tượng tham gia BHXH; tách chế độ BHXH ra khỏi các trợ cấp xã hội.


Về nội dung đổi mới trong từng chế độ BHXH thể hiện cụ thể như sau: 

- Về chế độ trợ cấp ốm đau: Tỷ lệ hưởng trợ cấp ốm đau thống nhất bằng 75% tiền lương trong thời gian quy định nghỉ ốm hàng năm cho từng đối tượng tính theo thời gian công tác. Trường hợp mắc bệnh cần chữa trị kéo dài, thời gian nghỉ ốm tối đa là 180 ngày. Quá thời hạn trên, nếu thuộc danh mục bệnh phải điều trị dài ngày theo quy định của Bộ Y tế, được hưởng 70% lương tối thiểu.

- Về chế độ trợ cấp thai sản: quy định thời gian nghỉ sinh con của lao động nữ là 04 tháng được hưởng 100% tiền lương và được trợ cấp 01 tháng lương trung bình bằng 02 tháng lương tối thiểu. Trường hợp làm các công việc nặng nhọc, độc hại, sinh đôi, sinh ba… được nghỉ thêm theo quy định. Trợ cấp thai sản được tính với cả trường hợp lao động nữ bị sảy thai, thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.

- Chế độ trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Trong thời gian người lao động điều trị vết thương do tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp gây ra, người sử dụng lao động phải trả 100% tiền lương. Sau khi điều trị ổn định, tùy theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động theo xác định của cơ quan y tế, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp BHXH một lần hoặc hàng tháng, cụ thể: Giảm từ 5% - 60% sức lao động sẽ được hưởng trợ cấp một lần từ 04 đến 24 tháng tiền lương tối thiểu; giảm từ 61% - 100% sức lao động sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng từ 01 đến 1,6 tháng tiền lương tối thiểu/tháng.

- Chế độ hưu trí: Quy định tuổi đời nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi có từ đủ 20 năm công tác được nghỉ hưởng chế độ hưu trí. Người tham gia kháng chiến chống Pháp, người có 10 năm ở chiến trường, người làm công việc nặng nhọc, độc hại có thời gian công tác đủ 20 năm trở lên được giảm tối đa 05 tuổi đời khi nghỉ hưu (nam 55 tuổi; nữ 50 tuổi). Đối tượng thuộc diện thực hiện giảm biên chế (theo Quyết định 176 hoặc 111) cũng được giảm tối đa 05 tuổi đời. Nếu đối tượng giảm biên chế lại đồng thời thuộc đối tượng giảm tuổi đời do đặc thù nghề nghiệp kể trên thì sẽ được cộng dồn, thời gian giảm tối đa là 10 tuổi đời (nam 50 tuổi, nữ 45 tuổi).

Thời gian tính hưởng chế độ BHXH là thời gian thực tế tham gia BHXH. Đối với công nhân viên chức nhà nước có thời gian công tác từ trước ngày 31/12/1994, thời gian này cũng được tính là thời gian tham gia BHXH để tính hưởng chế độ. Đặc biệt, thời gian tính hưởng BHXH theo Nghị định 43/CP không đòi hỏi phải liên tục mà quá trình tham gia nộp BHXH có thể bị ngắt quãng, miễn sao tổng số năm công tác và nộp BHXH đủ 20 năm theo quy định.

Tiền lương tính hưởng BHXH là mức tiền lương bình quân nộp BHXH trong 10 năm cuối đối với công nhân viên chức nhà nước. Lao động làm việc trong các tổ chức liên doanh với nước ngoài thì tính lương bình quân suốt cả quá trình nộp BHXH.

Mức hưởng lương hưu được tính bằng 55% tiền lương bình quân cho thời gian đủ 20 năm đóng BHXH, từ năm thứ 21 đến năm thứ 30, mỗi năm nộp BHXH được cộng thêm 2%, tối đa không quá 75% tiền lương bình quân. Những người có trên 30 năm tham gia BHXH, từ năm thứ 31 được tính hưởng trợ cấp một lần, tối đa không quá 03 tháng tiền lương. Cùng với mối tương quan được quy định tại Điều 5 Nghị định 27/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ; tiền lương hưu của đối tượng nghỉ theo Nghị định 236/HĐBT chênh lệch không quá 5% đối với người có chức vụ và mức độ cống hiến.

Trường hợp đã có thời gian tham gia BHXH nhưng chưa đủ tuổi đời theo quy định, nếu vì lý do nào đó không có thu nhập bằng tiền lương hoặc tiền công; không tiếp tục nộp BHXH được, thì khi đủ tuổi đời theo quy định cũng được giải quyết chế độ hưu hàng tháng hoặc trợ cấp một lần, tùy theo số năm đã tham gia BHXH. Đối với trợ cấp một lần: cứ mỗi năm tham gia BHXH được trợ cấp 01 tháng tiền lương bình quân, kể cả trường hợp sức khỏe bị suy giảm do ốm đau bệnh tật kéo dài được Hội đồng Giám định y khoa kết luận mất sức lao động từ 61% trở lên.

Những người đang hưởng chế độ hưu trí, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tử tuất trước ngày 31/12/1993 được ngân sách nhà nước đài thọ.

Ngoài chế độ trợ cấp hưu trí hàng tháng, người nghỉ hưu còn được Quỹ BHXH đài thọ tiền tham gia BHYT. 

- Chế độ tử tuất: Gồm có trợ cấp mai táng phí bằng 07 tháng tiền lương tối thiểu; trợ cấp tuất hàng tháng, cứ mỗi người tham gia BHXH được trợ cấp từ 01 đến 04 suất, tùy thuộc vào số người mà người lao động khi còn sống phải nuôi dưỡng. 01 thân nhân có thể hưởng chế độ trợ cấp tuất của 02 người nuôi dưỡng có tham gia BHXH chết. Trường hợp không có người hưởng trợ cấp tuất hàng tháng thì thân nhân người tham gia BHXH chết được nhận trợ cấp một lần, mỗi năm tham gia BHXH được trợ cấp ½ tháng tiền lương, tối đa bằng 12 tháng tiền lương; với người về hưu, mỗi năm đã hưởng lương hưu trừ đi 01 tháng trợ cấp, tối thiểu được nhận trợ cấp bằng 03 tháng lương hưu./.

Theo: Baohiemxahoi.gov.vn