Chat Zalo! Icon
Nhiều giải pháp trọng tâm của ngành BHXH trong năm 2021

Năm 2020, nhờ có sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự quyết tâm, đồng lòng, nỗ lực, cố gắng của toàn thể công chức, viên chức, người lao động, ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch được giao, làm nền tảng vững chắc để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trong năm 2021.

Tăng trưởng ấn tượng

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2021, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, năm 2020, BHXH Việt Nam luôn chủ động bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao: Thực hiện tốt các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người tham gia; mở rộng đối tượng tham gia; giảm nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý; tăng cường giải pháp để kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BHTN,... đặc biệt là những giải pháp ứng phó, hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp, người dân trước những ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, do thiên tai bão lũ gây ra. 

Kết quả, diện bao phủ BHXH được mở rộng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó: Số người tham gia BHXH tự nguyện gần 1,1 triệu người, tăng 494 nghìn người, gần gấp đôi so với năm 2019; đạt khoảng 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện (chỉ tiêu tại Nghị quyết 28-NQ/TW đến hết năm 2021 là 1% nhưng đến năm 2020 đã vượt chỉ tiêu được giao), tăng gấp gần năm lần so năm 2015... Chỉ tiêu bao phủ BHYT tiếp tục có bước tăng trưởng ấn tượng với khoảng 88 triệu người tham gia, chiếm 90,85% dân số, vượt 0,15% chỉ tiêu Nghị quyết số 01 của Chính phủ, tăng 25,6% so năm 2015. So với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị vượt 10,85%. Với tỷ lệ bao phủ này, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn. So với các quốc gia phát triển trên thế giới, để đạt mục tiêu BHYT toàn dân cần từ 40 đến 80 năm, trong khi Việt Nam là 17 năm. 

Đặc biệt, công tác ứng dụng CNTT trong quản lý đạt được nhiều kết quả nổi bật. Hết năm 2020, BHXH Việt Nam đã triển khai thực hiện 19 dịch vụ công (DVC) trực tuyến cấp độ 3, 4 trên Cổng DVC của ngành; dự kiến năm 2021, 100% số DVC của ngành được thực hiện ở mức độ 4. Đồng thời, BHXH Việt Nam chủ động tích hợp, cung cấp 15 DCV mức độ 4 của ngành, DVC liên thông các bộ, ngành trên Cổng DVC quốc gia. Xây dựng và đưa vào triển khai thành công ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” trên nền tảng thiết bị di động. Hiện đã triển khai thí điểm việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế cho thẻ BHYT bằng giấy (bị hỏng, mất do bão lũ) để đi khám, chữa bệnh tại 10 tỉnh khu vực miền trung - Tây Nguyên bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão lũ.

Tám nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Thực hiện mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân của Đảng, Nhà nước, có thể thấy, phạm vi phục vụ của ngành BHXH Việt Nam sẽ ngày càng mở rộng, hướng tới phục vụ toàn thể nhân dân. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, công chức, viên chức trong toàn ngành phải luôn nỗ lực với quyết tâm cao nhất trong thực thi nhiệm vụ, gắn chặt với phương châm hành động “Kỷ cương, đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”. 

Năm 2021, toàn ngành BHXH Việt Nam tập trung triển khai tám nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đó là: Tiếp tục chủ động, tích cực tham gia với các bộ, ngành hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp tình hình thực tiễn, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân; tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định mới về BHXH, BHYT có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021. Tập trung mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, linh hoạt, sáng tạo hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 125 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28, các nghị quyết của Chính phủ.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt là người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức chính trị, xã hội, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông BHXH, BHYT tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa của chính sách BHXH, BHYT theo tinh thần Nghị quyết số 28. 

Những nội dung quan trọng khác là giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT bảo đảm chính xác, kịp thời, thuận tiện nhất cho người thụ hưởng; tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua các tổ chức DVC; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ... Tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi trốn đóng, gian lận quỹ BHXH, BHYT...

Hành vi như thế nào được coi là giả mạo xuất xứ Việt Nam?
Chế tài xử phạt đối với hành vi giả mạo xuất xứ đã có, nhưng lại chưa có quy định cụ thể như thế nào được coi là giả mạo xuất xứ Việt Nam và như thế nào là khai sai xuất xứ Việt Nam, gây khó khăn trong việc áp dụng chế tài xử phạt thống nhất.