Chat Zalo! Icon
Ngành Hải quan: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp từ rà soát chính sách pháp luật
29 June, 2022 by
Nguyễn Hoài Nguyên Hậu
Với tinh thần cải cách, Tổng cục Hải quan luôn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, qua đó thực hiện rà soát chính sách, đưa ra giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao năng suất, hiệu quả kinh doanh.

Thường xuyên điều chỉnh chính sách cho phù hợp

Thông điệp được thể hiện xuyên suốt của Tổng cục Hải quan là tạo thuận lợi thương mại, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) chấp hành đúng quy định của pháp luật. Để làm được, ngành Hải quan đã đóng góp, xây dựng để cải cách thể chế thuộc lĩnh vực hải quan nhằm hoàn thiện cơ chế, tạo khuôn khổ, hành lang pháp lý cho việc tổ chức thực hiện phù hợp các chuẩn mực quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển thương mại của thế giới, đáp ứng chuỗi luân chuyển hàng hóa toàn cầu, tạo thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam đi tới các nước, hàng hóa của các nước đến Việt Nam. Đây là nhiệm vụ quan trọng, tác động đến hoạt động quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực hải quan, tạo thuận lợi cho sự phát triển của các chủ thể tham gia.

Theo bà Phùng Thị Bích Hường – Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai, người có thâm niên nhiều năm giữ vị trí Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan, cải cách thể chế thông qua các văn bản quy phạm pháp luật sẽ tạo lập các quy tắc của môi trường đầu tư, do đó phải được thường xuyên, liên tục rà soát để kịp thời điều chỉnh nhằm xây dựng một hệ thống các quy tắc tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, bình đẳng, minh bạch. Các chính sách pháp luật phải rõ ràng, công khai và dễ tiếp cận; ưu tiên hướng mạnh cải cách tháo bỏ các rào cản, chồng chéo, bất cập hướng tới thúc đẩy sự phát triển ổn định và vững mạnh.

 Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.


Nói đến cải cách chính sách pháp luật hải quan thì điều rõ ràng nhất chính là xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách thuế xuất nhập khẩu (XNK). Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã nghiên cứu, tham gia soạn thảo Luật Thuế XNK, Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT), Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật thuế Bảo vệ môi trường (BVMT), Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan; các nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết các luật này; Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi, ưu đãi đặc biệt phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam và cam kết quốc tế… Việc sớm triển khai áp dụng các hiệp định/công ước đã góp phần tạo thuận lợi cho tiến trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hội nhập kinh tế quốc tế/ khu vực; góp phần tạo sự minh bạch dần chính sách thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động tính toán hiệu quả kinh doanh, tôn trọng trị giá đàm phán giao dịch trong mua bán, khuyến khích giao thương phát triển.

Trên lĩnh vực tổ chức thực hiện chính sách pháp luật, Tổng cục Hải quan ban hành chế độ kế toán thuế áp dụng tập trung trong toàn ngành; quy trình thu theo nguyên tắc người nộp thuế tự khai, tự tính, tự nộp thuế, cơ quan hải quan thực hiện các chức năng quản lý thuế thông qua kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế, vì vậy đã góp phần giảm chi phí giá thành sản phẩm, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí quản lý hành chính thuế. Bên cạnh đó, ngành Hải quan tổ chức xây dựng, hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng dự toán thu ngân sách bám sát với thực tế phát triển của nền kinh tế...

Chia sẻ về hiệu quả, bà Lê Như Quỳnh – Cục trưởng Cục Thuế XNK, Tổng cục Hải quan cho hay, những giải pháp đó đã góp phần bảo hộ sản xuất, khuyến khích và định hướng đầu tư sản xuất trong nước phát triển có hiệu quả. Đồng thời, điều đó giúp ngành liên tục thực hiện thắng lợi chỉ tiêu và chỉ tiêu phấn đấu về thu thuế trong nhiều năm liền trong điều kiện phải thực hiện cắt giảm thuế theo các hiệp định đa phương, song phương với khu vực, quốc tế và sự gia tăng của hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế với những thủ đoạn, hình thức ngày càng tinh vi.

Xác định chính sách pháp luật hải quan là một trụ cột lớn

Thời gian tới, toàn ngành Hải quan sẽ tập trung xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021 – 2030, trong đó công tác tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật hải quan là một trụ cột lớn.

Tổng cục Hải quan sẽ thường xuyên theo dõi đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật đang áp dụng; rà soát, đề xuất, trình các cấp có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi các chính sách pháp luật về thuế, pháp luật hải quan theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với các cam kết, chuẩn mực quốc tế.

Cùng với đó là việc chú trọng việc áp dụng chính sách quản lý thuế GTGT, thuế TTĐB đối với hàng hóa tại khâu nhập khẩu thống nhất với hàng hóa tại khâu nội địa thông qua việc cải cách hệ thống thuế phù hợp với tình hình đất nước và cam kết quốc tế; bổ sung, hoàn thiện, đơn giản hóa các sắc thuế để áp dụng thống nhất chính sách thuế và thủ tục quản lý thuế...