Chat Zalo! Icon
Ngành Hải quan đi đầu về cải cách thủ tục hành chính
20 January, 2021 by
Nguyễn Thái Ngọc

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2011-2020 ngành Hải quan đã nỗ lực, bám sát các yêu cầu để hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược 448/QĐ-TTg về hiện đại hóa hải quan Việt Nam. Những kết quả đạt được đã góp phần đưa hải quan trở thành một trong những đơn vị đi đầu về cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương thức quản lý.

Thủ tục hải quan được rút ngắn

Trong thời gian qua, hệ thống pháp luật về hải quan liên tục được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện, kịp thời. Luật Hải quan sửa đổi (2014) được Quốc hội thông qua đã đặt nền tảng cho việc đổi mới toàn diện hoạt động hải quan, tạo cơ sở pháp lý để áp dụng phương thức quản lý hải quan hiện đại trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ.

Thủ tục hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử trên hệ thống VNACCS/VCIS tiên tiến hàng đầu thế giới (do Nhật Bản tài trợ) tại 100% các Cục Hải quan tỉnh, thành phố, 100% các Chi cục Hải quan trên cả nước, 100% các loại hình hải quan cơ bản; Với 99,56% tổng số doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan, đạt 99,32% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và hơn 99,63% tổng số tờ khai hải quan trên cả nước; Cơ sở dữ liệu được xử lý tập trung tại cấp Tổng cục Hải quan. Việc triển khai toàn diện thủ tục hải quan điện tử đã tạo ra bước cải cách đột phá cho hoạt động xuất nhập khẩu, thời gian làm thủ tục hải quan được rút ngắn thông qua việc tiếp nhận thông tin tờ khai hải quan và phản hồi kết quả phân luồng tờ khai trong vòng 1-3 giây. Qua đó giúp giảm thiểu chứng từ, giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan.

Về Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN: Đã làm thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành; Việt Nam cũng là một trong 5 quốc gia đầu tiên chính thức trao đổi thông tin xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu D thông qua ASW với 4 quốc gia trong khu vực là Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Qua đó góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Tính đến ngày 31/12/2020, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 207 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành được chính thức triển khai, với xấp xỉ 3,55 triệu hồ sơ của hơn 43,8 nghìn doanh nghiệp.


Theo các báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh công bố trong các năm từ 2018 - 2020, các chỉ số thành phần về chi phí và thời gian trong chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam tiếp tục được duy trì. Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2020, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu (với 5,36 triệu tờ khai xuất khẩu) và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu (với 5,72 triệu tờ khai nhập khẩu).

Bên cạnh đó, Hải quan Việt Nam đã cải cách toàn diện thủ tục thu nộp thuế và lệ phí đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, chuyển từ nộp thuế, lệ phí thủ công sang nộp thuế lệ phí điện tử, giúp doanh nghiệp nộp thuế mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, giảm mạnh thời gian và chi phí để thực hiện thủ tục nộp thuế. Tỷ lệ doanh nghiệp xuất nhập khẩu nộp thuế điện tử qua ngân hàng đạt gần 100% với số thu ngân sách bằng phương thức điện tử chiếm trên 98,4% tổng số thu ngân sách của Tổng cục Hải quan.

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban chỉ đạo 138 của Chính phủ, Bộ Tài chính tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao từ công tác tham mưu đến công tác đấu tranh trực tiếp, tổ chức lực lượng quản lý chặt chẽ các địa bàn trọng điểm, triển khai hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại,vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là chủ trì và phối hợp triển khai nhiều chuyên án ma túy lớn.

Phấn đấu thu ngân sách Nhà nước năm 2021 vượt 315.000 tỷ đồng

Có thể khẳng định, ngành Hải quan đã hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong Chiến lược 448/QĐ-TTg, thực hiện tốt nhiệm vụ hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2011-2020. Bước sang năm 2021, bên cạnh các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của toàn Ngành định hướng đến năm 2030, Tổng cục Hải quan sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021 được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao Tổng cục Hải quan. Trong năm 2021, Tổng cục Hải quan phải quyết liệt triển khai các giải pháp, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021 được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 128/2020/QH14 là 315.000 tỷ đồng và phấn đấu hoàn thành vượt mức tối thiểu dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2021 do Quốc hội giao.

Hai là, thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan, tạo thuận lợi cho thương mại và các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa để rút ngắn thời gian, chi phí thông quan hàng hóa; Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách trong lĩnh vực hải quan… theo đúng mục tiêu, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia. Trong đó, đặc biệt chú trọng khẩn trương hoàn thiện và thực hiện Đề án thiết kế lại tổng thể hệ thống công nghệ thông tin. Cụ thể, Hệ thống mới phải được thiết kế theo chế độ mở để kết nối với Cơ chế một cửa quốc gia; có độ tích hợp cao với hệ thống công nghệ thông tin của các Bộ, ngành liên quan, có hệ thống dự phòng, ứng dụng công nghệ thông tin phủ rộng tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan; dễ dàng nâng cấp, sửa đổi, bổ sung, mở rộng khi có yêu cầu quản lý mới về hải quan; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Ba là, làm tốt hơn và hiệu quả hơn công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại và hàng giả, tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ trong công tác này.

Bốn là, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ đạo của Trung ương về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Xây dựng lực lượng hải quan chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả.

Với những kết quả đạt được trong năm 2020, cùng với sự nỗ lực của toàn ngành Hải quan, chúng ta có thể tin tưởng rằng, thời gian tới Hải quan Việt Nam sẽ có những cải cách đột phá trong hoạt động xuất nhập khẩu.