Nhiều nội dung mới liên quan đến kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo Thông tư 62/2019/TT-BTC đã được Tổng cục Hải quan phổ biến tới các cục hải quan tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, trong 3 ngày từ 21 đến 23/10/2019 tại Lào Cai.
Đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cập nhật thông tin liên quan đến kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa cho các đơn vị hải quan địa phương.
Tại hội nghị, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan đã thông tin cụ thể về các điểm mới cần lưu ý tại Thông tư 62/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2019/TT-BTC, trong đó, tập trung vào các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 38/2018/TT-BTC (Các trường hợp khác biệt nhỏ không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa); bổ sung hướng dẫn kiểm tra xác định xuất xứ trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP; sửa đổi, bổ sung Phụ lục II Danh mục hàng hóa NK phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho cơ quan Hải quan.
Bên cạnh việc phổ biến các nội dung mới tại Thông tư 62/2019/TT-BTC, Cục Giám sát quản lý và hải quan cũng dành nhiều thời gian để hướng dẫn các đơn vị hải quan địa phương về kiểm tra, xác định xuất xứ, chống gian lận, gia mạo xuất xứ hàng hóa. Qua đó nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát hải quan, chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp. Nâng cao nhận thức, năng lực thực thi các quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Nâng cao tính tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo đó, nhiệm vụ của hải quan địa phương đối với việc kiểm tra, giám sát và kiểm soát xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được hướng dẫn chi tiết.
Đối với hàng hóa nhập khẩu, khi đăng ký tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu, cơ quan Hải quan không đăng ký tờ khai hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu nếu người khai hải quan không khai thông tin xuất xứ hàng hóa tại ô mã nước xuất xứ trên tờ khai hải quan nhập khẩu.
Trường hợp kiểm tra hồ sơ hải quan cần kiểm tra nội dung khai xuất xứ hàng hóa trên tờ khai hải quan nhập khẩu. Trường hợp người khai hải quan nộp C/O theo quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BTC, cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra như sau: Kiểm tra, đối chiếu dấu và/hoặc chữ ký trên C/O với mẫu dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp C/O và/hoặc chữ ký của người có thẩm quyền cấp C/O; Kiểm tra thời hạn hiệu lực của C/O; Kiểm tra thông tin về người nhập khẩu; Kiểm tra nội dung khai thông tin về quy cách phẩm chất, thông số kỹ thuật, thành phần cấu tạo, model, ký/mã hiệu, đặc tính, công dụng của hàng hóa khai trên tờ khai nhập khẩu; Kiểm tra nội dung về tên hàng, mô tả hàng hóa, số lượng, mã số HS, trị giá với các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan; Kiểm tra tiêu chí xuất xứ; Kiểm tra chứng từ tự chứng nhận xuất xứ; Kiểm tra thông tin về hành trình của lô hàng ghi trên C/O, vận đơn và các chứng từ khác (nếu có); Kiểm tra, đối chiếu nội dung khai trên tờ khai hải quan nhập khẩu, các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan với dữ liệu hàng hóa nhập khẩu đã được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Trường hợp kiểm tra thực tế hàng hóa, CBCC thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin về xuất xứ, ghi nhãn với nội dung khai về xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa trên tờ khai hải quan nhập khẩu, các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, kết quả kiểm tra hồ sơ hải quan (nếu có); Kiểm tra mã số, mã vạch của hàng hóa nhập khẩu để xác định nước xuất xứ; Kiểm tra trên hàng hóa, bao bì hàng hóa có nhãn hay không; Kiểm tra thông tin về quyền sở hữu trí tuệ trên hàng hóa nhập khẩu, đối chiếu với dữ liệu trên hệ thống để xác định dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Kiểm tra, xác định hàng hóa là sản phẩm hoàn chỉnh hay tháo rời của một sản phẩm hoàn chỉnh nhưng khai là nguyên liệu, cụm linh kiện.
Việc xử lý kết quả kiểm tra đối với trường hợp kiểm tra hồ sơ hải quan và trường hợp kiểm tra thực tế hàng hóa cũng được hướng dẫn cụ thể.
Đối với hàng hóa xuất khẩu, các đơn vị hải quan địa phương cần kiểm tra nội dung khai xuất xứ hàng hóa, nhãn hiệu/ghi nhãn hàng hóa của người khai hải quan trên tờ khai hải quan xuất khẩu.
Trường hợp kiểm tra hồ sơ hải quan, công chức hải quan thực hiện kiểm tra nội dung khai của người khai hải quan về tên hàng, mô tả hàng hóa, số lượng, mã số HS, xuất xứ với các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan; kiểm tra việc khai thông tin về model, ký/mã hiệu trên tờ khai xuất khẩu; Trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ gian lận xuất xứ đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu thì đối chiếu mã số HS khai trên tờ khai hải quan xuất khẩu với mã số HS khai khi làm thủ tục nhập khẩu (nếu có điều kiện kiểm tra); Kiểm tra, đối chiếu nội dung khai trên tờ khai hải quan xuất khẩu và hồ sơ hải quan với dữ liệu hàng hóa xuất khẩu đã được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Trường hợp kiểm tra thực tế hàng hóa, hải quan địa phương thực hiện kiểm tra, đối chiếu tên hàng, nội dung ghi nhãn hàng hóa với nội dung khai của người khai hải quan trên tờ khai hải quan xuất khẩu và chứng từ thuộc hồ sơ hải quan; Trường hợp hàng hóa xuất khẩu trên bao bì, sản phẩm thể hiện dòng chữ “Made in Vietnam” hoặc ‘Produced in/by Vietnam” hoặc “Origin Vietnam”…, nếu qua kiểm tra thực tế hàng hóa phát hiện có dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp thì yêu cầu người khai hải quan giải trình và cung cấp chứng từ chứng minh theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Thông tư số 38/2018/TT-BTC; Kiểm tra thông tin về quyền sở hữu trí tuệ của hàng hóa xuất khẩu, đối chiếu với dữ liệu trên hệ thống để xác định hàng hóa có vi phạm hay không.
Vấn đề xử lý kết quả kiểm tra cũng được Cục Giám sát quản lý về hải quan hướng dẫn các đơn vị hải quan thực hiện.