Với chức năng, nhiệm vụ của mình, bên cạnh việc tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) đồng bộ với các phần mềm nghiệp vụ được sử dụng thống nhất trên toàn quốc, cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã chú trọng xây dựng hệ thống các CSDL quản lý nghiệp vụ chuyên ngành như CSDL hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế (BHYT); CSDL đơn vị tham gia và người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); CSDL người hưởng hằng tháng... Ðến nay, CSDL của người tham gia BHXH, BHYT của BHXH Việt Nam đã bao phủ hơn 90% số dân; CSDL người hưởng hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp... hằng tháng cũng đã quản lý thông tin của khoảng 3,6 triệu người; CSDL khám, chữa bệnh BHYT với khoảng 170 triệu lượt mỗi năm. Việc hình thành các CSDL trên góp phần giúp ngành BHXH thực hiện các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ cũng như hiệu quả quản lý, đạt và vượt nhiều mục tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao.
Ðáng chú ý, nhiều CSDL trong số này đã được liên thông và chia sẻ CSDL với một số bộ, ngành liên quan như Tư pháp, Thuế, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội... và hơn 14.000 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT như kết nối với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch để liên thông cấp giấy khai sinh và thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; kết nối dữ liệu với Bộ Y tế trong quản lý hồ sơ khám chữa bệnh điện tử, quản lý, phân tích số liệu ngành y tế; kết nối dữ liệu với ngành lao động - thương binh và xã hội để thực hiện dịch vụ liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN và báo cáo tình hình thay đổi lao động trên Cổng dịch vụ công quốc gia... Ngoài mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đáp ứng các yêu cầu trong hoạt động quản lý, những bước tiến này đã tạo nền tảng quan trọng cho việc xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm - một trong sáu CSDL quốc gia quan trọng cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, do chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý trong việc xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm cho nên hệ thống dữ liệu hiện nay của ngành BHXH vẫn có những hạn chế trong việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các CSDL quốc gia khác và với CSDL của các bộ, ngành, địa phương. Trong khi đó, nhiệm vụ "hoàn thiện, đẩy mạnh kết nối CSDL quốc gia về bảo hiểm với các hệ thống CSDL có liên quan nhằm phục vụ tốt công tác thực hiện chính sách và công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách" đã được nêu rõ tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Ðề án "Ðẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ngành bảo hiểm và các dịch vụ công trên cơ sở kết nối chia sẻ dữ liệu giữa BHXH Việt Nam với các ngành liên quan" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1939/QÐ-TTg ngày 31-12-2019 cũng đã giao BHXH Việt Nam chủ trì xây dựng, quản lý và vận hành CSDL quốc gia về bảo hiểm... để thực hiện chính sách bảo hiểm đồng thời phục vụ quản lý nhà nước của các ngành liên quan như y tế, lao động - thương binh và xã hội...
Do vậy, để đáp ứng những yêu cầu trên, việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định CSDL quốc gia về bảo hiểm là nhu cầu cấp thiết. Ðây là cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, thu thập, cập nhật, duy trì, khai thác, sử dụng và quản lý CSDL quốc gia về bảo hiểm để phục vụ công tác quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, đáp ứng nhu cầu của cơ quan, tổ chức và người dân. Hơn nữa còn góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực BHXH, là một trong những nền tảng quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới một Chính phủ kiến tạo, phục vụ, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp.